Thay đổi mức đóng, tăng quyền lợi hưởng BHYT
Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 14:46, 06/07/2023
Theo quy định, mức đóng BHYT hộ gia đình đang được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành. Từ ngày 1/7/2023 khi mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng sẽ tăng theo. Cùng với đó, người tham gia được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần
Khi tham gia BHYT hộ gia đình, người tham gia sẽ được Nhà nước giảm một phần mức đóng cho các thành viên cùng tham gia trong năm tài chính. Cụ thể, người thứ nhất đóng = mức lương cơ sở x 4,5% = 972.000 đồng/năm, mức cũ 804.600 đồng/năm; người thứ 2 đóng 70% mức đóng của người thứ nhất = 680.400 đồng/năm, mức cũ 563.220 đồng/năm; người thứ 3 đóng 60% mức đóng của người thứ nhất = 583.200 đồng/năm, mức cũ 482.760 đồng/năm. Người thứ 4 đóng 50% mức đóng của người thứ nhất = 486.000 đồng/năm, mức cũ 402.300 đồng/năm; người thứ 5 trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất = 388.800 đồng/năm, mức cũ 321.840 đồng/năm.
Tỷ lệ hưởng 100% tổng chi phí khám chữa bệnh trong các trường hợp sau gồm khi khám chữa bệnh tại tuyến xã; nếu chi phí khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến. Tỷ lệ hưởng 80% tổng chi phí khám chữa bệnh cho các trường hợp khác.
Với trường hợp khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến, trường hợp không có giấy chuyển tuyến, mà xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ hưởng theo quy định. Theo đó, tỷ lệ hưởng 100% khi khám chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện; nội trú tại bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Tỷ lệ hưởng 40% khi khám chữa bệnh nội trú tại tuyến trung ương.