Từ mâu thuẫn vụn vặt trên mạng… đến hỗn chiến kinh hoàng

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:10, 07/07/2023

Chỉ xuất phát từ những chuyện rất vụn vặt như: chê bai nhau trên mạng xã hội, một câu bình luận (comment) không vừa ý, hay chạy xe nẹt pô, va quẹt trong giao thông, một ánh nhìn thiếu thiện cảm, “cái mặt nhìn thấy ghét”… là vài chục thanh thiếu niên sẵn sàng tập hợp băng nhóm, hung khí, lao vào nhau đâm chém loạn xạ như… ở thời trung cổ, bất chấp pháp luật và các hậu quả.

Đáng báo động là tình trạng bạo lực từ mâu thuẫn trên mạng xã hội đang gia tăng, xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân và chính quyền ở nhiều địa phương. Chỉ trong nửa đầu năm nay, trên địa bàn TP. Phan Thiết xảy ra 21 vụ thanh thiếu niên tụ tập đánh nhau, Công an thành phố đã phải triệu tập, răn đe với 30 nhóm, 205 đối tượng.

37ef4221b3a06ffe36b1.jpg
Hung khí Công an xã Hàm Chính thu giữ. Ảnh tư liệu.

Rất nhiều thanh thiếu niên ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã bị khởi tố, phải nhận bản án nghiêm khắc, với các tội danh như: “giết người”, “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”… Nhưng trước vành móng ngựa, nhiều gương mặt non choẹt vẫn bình thản cười, nói, vẫy chào người thân, như không có gì xảy ra, mặc cho phía trên hội đồng xét xử tuyên án, còn phía dưới những người mẹ lặng thầm quệt dòng nước mắt lăn dài trên má. Đó là cảnh không hiếm gặp mà phóng viên báo ghi nhận ở hàng loạt phiên tòa xét xử trẻ vị thành niên tham gia các vụ hỗn chiến, gây mất an ninh trật tự vừa qua.

Nhưng các phiên tòa xét xử chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Báo chí liên tục đưa tin lực lượng công an liên tục phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nhóm thanh thiếu niên đang tụ tập lực lượng, chuẩn bị lao vào nhau huyết chiến giải quyết mâu thuẫn, thu giữ rất nhiều hung khí như: kiếm, mã tấu, dao phóng lợn, cây 3 chĩa, bom xăng… Mới nhất vào đêm 25/6, người dân thôn Phước Thọ, xã Tân Phước, thị xã La Gi phát hiện một nhóm thanh thiếu niên đi xe máy rồ ga, nẹt pô trên đường, mang theo nhiều hung khí, nên lập tức báo ngay cho công an. Công an lập tức huy động lực lượng ngăn chặn vụ hỗn chiến giữa nhóm này với một nhóm thanh thiếu niên ở xã Tân Xuân (Hàm Tân), do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Rất may người dân khi phát hiện biểu hiện khả nghi là báo ngay cho công an để kịp thời ngăn chặn. Nếu không sẽ có nhiều em thanh thiếu niên chết, bị thương, hoặc bị tù tội sau các vụ hỗn chiến kinh hoàng ấy.

Vẫn biết rằng một thiểu số rất nhỏ thanh thiếu niên tham gia vào các vụ hỗn chiến kể trên, không thể đại diện cho lớp lớp hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực học tập, lao động, sáng tạo, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Nhưng cái thiểu số rất nhỏ bé ấy lại đang gây nhức nhối, bất an trong xã hội. Dư luận đã cảnh báo từ lâu về sự xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử, xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn; về tác hại của phim ảnh, game online bạo lực; về một nền giáo dục nặng về nhồi nhét kiến thức, mà chưa coi trọng đúng mức dạy cách làm người… Vì vậy đấu tranh ngăn chặn các vụ thanh thiếu niên hỗn chiến không phải là trách nhiệm riêng của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát, mà là trách nhiệm chung của các gia đình, các nhà trường và cả toàn xã hội.

Đặng Dũng