Chuyện chưa kể về 5 chén vàng ở tháp Pô Klong Garai
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:39, 07/07/2023
Những câu chuyện của 40 năm trước, được lần giở lại cho chúng ta thấy sự đóng góp to lớn của chuyên gia Ba Lan như thế nào để giờ đây hàng loạt tháp Chăm ở miền Trung và ở Ninh Thuận, Bình Thuận là những di tích nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan.
Trùng tu tháp Pô Klong Garai
Năm 1981 việc trùng tu tháp Pô Klong Garai bắt đầu. Có thể nói sau giải phóng việc hợp tác với Ba Lan để trùng tu di tích là việc làm mới mẽ, với cả UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thông tin. Từ nơi ăn chốn ở cho cả bạn và cán bộ của Bộ Văn hóa Thông tin lúc bấy giờ. Một thỏa thuận giữa Bộ Văn hóa Thông tin với Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Ba Lan: Chuyên gia Ba Lan sang làm việc, giúp trang thiết bị trùng tu ở Việt Nam hàng năm, bạn tự trả lương, lo vé máy bay; Việt Nam lo phần chuyên gia Ba Lan nơi làm việc và điều kiện ăn ở.
Hồi đó Sở Văn hóa Thông tin bố trí cho đoàn ở Nhà khách của thị xã Phan rang – Tháp Chàm, khi đông thì một số ở khách sạn cầu ông Cọp. Phương tiện đi lại thì trưng dụng chiếc xe Zeep của Trường Nghiệp vụ Sở Văn hóa Thông tin đóng tại Trung tâm văn hóa Chăm. Do lịch làm việc của chuyên gia Ba Lan, nên hàng năm sau Tết Nguyên đán họ lại qua hướng dẫn trùng tu từ Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên rồi đến Thuận Hải. Khoảng từ tháng 2 đến tháng 7 thì xong một đợt. Cứ như thế cho đến khi hoàn thành trùng tu tháp Pô Klong Garai vào cuối năm 1998.
Suốt nhiều năm trùng tu, tôn tạo như vậy đã có nhiều chuyện xảy ra: như lấy đâu ra gạch để trùng tu lại là gạch có kích thước lớn, lấy đá ở đâu để tạc tượng thần bị mất trên các tầng tháp, chất kết dính làm như thế nào… và nhiều việc khác liên quan đến việc trùng tu tháp Chăm. Đó là chưa kể việc ngày nào cũng có vài ba người Chăm ở các làng gần đó được cử đến “giám sát” việc làm của chuyên gia.
Hàng ngày, chiếc xe Zeep cũ kỹ ì ạch đưa các chuyên gia Ba Lan lên tháp làm việc, chiều lại về. Chiếc xe quá nhỏ để mấy ông Tây cao lớn ngồi hết vào trong, mấy ông ngồi sau thả 2 chân ra ngoài xe. Quen với cảnh này, khi đi qua con đường lên tháp, nhiều người reo lên: Liên Xô, Liên Xô… để chỉ chuyên gia Ba Lan ngồi trên xe.
Trước khi tu bổ phần đế tháp, công tác khảo cổ học được tiến hành để đảm bảo chắc chắn diện tích, mặt bằng và cấu trúc của tháp để gia cường, gia cố và phục hồi từng phần bị sạt đổ chứ không phải tìm kiếm hiện vật như những cuộc khai quật của người Pháp thời thuộc địa.
Phát hiện 5 chén vàng
Năm 1984 trong một lần đào rãnh cạnh bức tường thành tháp Pô Klong Garai để khảo sát, nghiên cứu và thiết kế tu bổ lại những đoạn bị mục nát, sụp lún. Khi đang đào một đoạn tường cổ, bất ngờ một nhóm công nhân của Công ty xây dựng 2 (thời kỳ này tỉnh Thuận Hải có 2 công ty xây dựng, Công ty xây dựng 1 ở Phan Thiết và Công ty xây dựng 2 ở Phan Rang) phát hiện một chiếc chén bằng vàng, người này la lên, lập tức nhiều người tập trung lại xem, việc đào tường tạm dừng lại. Sự việc được báo cho Công an thị xã Phan Rang – Tháp Chàm và Sở Văn hóa Thông tin biết để xử lý. Sau đó lần lượt lấy lên tất cả 5 chén bằng vàng. Chiếc lớn nhất nằm ngoài, thứ tự các chiếc tiếp theo nhỏ dần và nằm bên trong chén lớn.
Theo yêu cầu của bên công an tỉnh, các bên tham gia trùng tu di tích lập biên bản hiện trường. Sở Văn hóa Thông tin báo cáo UBND tỉnh Thuận Hải và tỉnh chỉ đạo đưa về Phan Thiết ngay trong ngày.
Chiều hôm đó, một số vị chức sắc ở các làng Chăm Thành Ý, Phú Nhuận, Phước Đồng, Hiếu Lễ, Chất Thường… cùng khoảng 50 người dân kéo lên tháp như biểu tình. Chúng tôi tạm thời ngưng công việc trùng tu mấy ngày chờ sự việc giải quyết xong mới làm lại.
Sau việc phát hiện 5 chén vàng, một số người đồn thổi là người “Liên Xô” giả sửa tháp để đào vàng như người Pháp trước đây; họ còn đồn thổi là đào được mấy con trâu bằng vàng đưa về Phan Thiết… tình hình khá căng thẳng. Để làm rõ sự việc và yên lòng đồng bào các làng Chăm, Văn phòng UBND tỉnh phải đưa xe ra Phan Rang đón các vị chức sắc đại diện các làng Chăm vào Phan Thiết để tận mắt nhìn thấy 5 chén vàng phát hiện ở tháp Pô Klong Garai.
Cùng thời gian này, một hội đồng thẩm định được thành lập, trong đó có đại diện ngân hàng để phân tích và đo tuổi vàng, kích thước, trọng lượng từng chén trước sự chứng giám của các vị chức sắc các làng Chăm. Hội đồng cũng cho chụp ảnh thành nhiều bộ cho các vị chức sắc đưa về giải thích cho bà con làng mình được hiểu về sự việc. Lúc này các cụ chức sắc mới yên tâm là không có con trâu nào bằng vàng như giọng điệu của những kẻ đồn thổi, kích động. Sau đó số vàng trên được niêm phong gửi ngân hàng, xem như đó là tài sản chứ không phải di sản văn hóa. Bởi lúc này chưa có Luật Di sản văn hóa mà chỉ mới có Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích.
Thời gian đã ngót 40 năm, dù không còn nhớ hết tất cả chi tiết 5 chén vàng nhưng tôi vẫn biết các thông số 5 chén vàng: hình dáng như chén ăn cơm, thành cao, không trang trí hoa văn, xám màu đồng nhưng vẫn dễ nhận biết là vàng; cái to nhất đường kính khoảng 20cm, cao khoảng 15cm và nhỏ dần đến cái cuối cùng đường kính khoảng 7 - 8cm. Tuổi của vàng cũng khoảng 7 – 8. Bên ngân hàng cho biết đó là vàng non tuổi. Bề mặt cả 5 chén vàng non không mịn, màu sắc không đồng nhất vì pha tạp chất… Một số vị chức sắc cho rằng 5 chén vàng đó là dùng để tắm thi thể nhà vua trước khi hỏa táng; người thì cho là của hoàng tộc Chăm thời đó hiến cho vua bằng cách chôn một cách bí mật không ai được biết.
Từ khi đưa vào ngân hàng đến nay gần 40 năm sự việc phát hiện 5 chén vàng tại tháp Pô Klong Garai chìm vào quá khứ. Chẳng còn mấy ai biết về việc này nữa. Năm 1992, sau khi tái lập tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận từ tỉnh Thuận Hải. Theo nguyên tắc tất cả hiện vật bảo tàng của tỉnh nào đều trả về cho tỉnh đó theo ranh giới, 5 chén vàng cũng được chuyển giao cho Ngân hàng Ninh Thuận. Trao đổi với anh Thành Nhãy - Phó Giám đốc Bảo tàng Ninh Thuận, được biết là gần đây Ngân hàng Ninh Thuận đã chuyển giao số cổ vật này cho bảo tàng trưng bày.