Khẩn cấp đầu tư trạm dừng dọc tuyến cao tốc
Xã hội - Ngày đăng : 10:47, 07/07/2023
Trên toàn tuyến TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 250km hiện chỉ có một trạm dừng tại Km 41 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dẫn đến quá tải, đi vệ sinh phải xếp hàng dài. Việc đầu tư thêm trạm dừng nghỉ là rất cấp thiết.
Xếp hàng nửa tiếng chờ đến lượt đi vệ sinh
Hành khách xếp hàng chờ đi vệ sinh ở trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành tại Km 41 trước khi đi vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Ngày 1/7, PV Báo Giao thông có mặt tại trạm dừng nghỉ tại Km 41 trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng từ TP. HCM ra Phan Thiết. Theo quan sát, trạm dừng nghỉ này được chia thành các khu vực gồm bãi đậu xe, khu ăn uống, mua sắm, nghỉ chân và cây xăng.
Vừa từ bên trong đi ra, chị Lê Thị Xuân (TP Thủ Đức, TP.HCM) lắc đầu ngao ngán: “Đông quá, xếp hàng đi vệ sinh hơn 30 phút, đến lượt thì nghe thông báo hết nước, phải đi qua nhà vệ sinh phía cây xăng, rồi cũng xếp hàng chờ cả chục người. Quá bất tiện?”.
Chị Xuân cho biết, do cuối tuần nên vợ chồng chị tranh thủ đưa con trai đi Mũi Né chơi. Vì từ TP.HCM ra Phan Thiết hơn 150km nên buộc phải ghé trạm dừng chân duy nhất này để đi vệ sinh.
Theo ghi nhận, chỉ trong khoảng một giờ buổi sáng, trạm dừng nghỉ đón khoảng 500 lượt xe. Đa số dừng tại trạm là xe khách cỡ lớn 52 chỗ, xe du lịch 16 chỗ.
Cùng đó là lượng lớn xe du lịch cá nhân từ 5-7 chỗ. Vì số lượng xe vào trạm nhiều, liên tục kéo theo lượng khách đông nên khu vực bán hàng, ăn uống, dừng nghỉ, nhà vệ sinh cũng như trạm xăng đều bị quá tải.
Đáng nói, khi phóng viên đang có mặt tại đây, một nhà vệ sinh ở khu ăn uống bất ngờ bị mất nước khiến nhiều người đứng chờ hàng chục phút phải bỏ vị trí, dời sang nhà vệ sinh ở khu vực cây xăng nhưng cũng không khá hơn, phải xếp rồng rắn dài chờ đến lượt.
Anh Hoàng Minh Sơn, ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, tài xế xe dịch vụ chuyên chở khách đi du lịch tại Bình Thuận cho biết: “Trước đây, trạm dừng này vắng lắm. Từ khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đưa vào khai thác, khách đi Bình Thuận, Đà Lạt, Nha Trang… tăng lên. Mỗi lần xe vào đây tôi đều dặn kỹ hành khách phải tranh thủ xuống đi vệ sinh trước rồi mua bán ăn uống nhanh để đảm bảo thời gian”.
Bên cạnh những bất tiện về đi vệ sinh, quá tải khu đỗ xe, việc ăn uống tại trạm dừng nghỉ cũng được khách đến trạm quan tâm. Các gian hàng ăn, uống, mua sắm khá đông khách, việc phục vụ cũng chậm hơn so với trước do lượng khách lớn.
Bao giờ có trạm dừng trên 2 cao tốc mới?
Sau khi hai tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác, quãng đường từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo dài 250km nhưng trên cả tuyến chỉ có một trạm dừng tại Km41 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Tuệ Minh.
Sau khi 2 tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác, quãng đường từ TP.HCM đến Phan Thiết khoảng 150km, còn đến cuối tuyến Vĩnh Hảo là 250km.
Với quãng đường rất dài, chỉ có 1 trạm dừng chân thì việc quá tải là điều dễ hiểu. Trên dọc tuyến, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một số hình ảnh tài xế dừng xe ở làn khẩn cấp để giải quyết “nỗi buồn”.
Ông Phạm Hùng Thái, giám đốc điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, hiện nay chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long) đang lựa chọn nhà thầu để xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Dự kiến quý I/2024 mới khởi động trạm dừng nghỉ này.
Cũng theo ông Thái, hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng trạm dừng nghỉ cơ bản đã hoàn thành, không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn của Cục Đường cao tốc, đơn vị này đang lựa chọn nhà thầu theo quy định và thực hiện đúng tiến độ, trình tự.
Được biết, trạm dừng nghỉ này sẽ được đặt tại Km 47+500, thuộc địa phạn xã Tân Đức, huyện Hàm Tân - giáp ranh với tỉnh Đồng Nai.
Tương tự, ông Phạm Quốc Huy, giám đốc quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, đơn vị đang lập hồ sơ thiết kế và hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến đến tháng 10 sẽ hoàn tất hồ sơ để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đầu năm 2024 sẽ triển khai xây dựng.
Trên đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 2 điểm triển khai trạm dừng nghỉ tại Km 144+560 xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và Km 205+602 xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Mỗi vị trí có 2 trạm đối xứng nhau ở hai hướng.
Được biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư 41 trạm dừng nghỉ. Đến nay, có 6 trạm dừng nghỉ đã hoàn thành đưa vào khai thác; 3 trạm đang đầu tư, còn lại 32 trạm chưa đầu tư (trong đó một số trạm đã giải phóng mặt bằng, một số trạm chưa giải phóng xong).
Cấp thiết đầu tư trạm dừng
Xe cộ, hành khách nườm nượp vào trạm dừng chân duy nhất trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, theo quy định lái xe 4 giờ phải nghỉ ngơi thì phải có điểm dừng nghỉ cho lái xe, nhất là trên cao tốc. Ngoài ra, trạm dừng còn phục vụ kỹ thuật, cung cấp xăng, thay lốp để đảm bảo an toàn cho phương tiện.
“Việc di chuyển trên một tuyến đường dài sẽ không tránh được những lúc mệt mỏi, hay phương tiện di chuyển gặp vấn đề. Vì thế, ngành chức năng và địa phương có cao tốc đi ngang qua cần nhanh chóng có các giải pháp phù hợp. Có thể giao trách nhiệm cho chủ đầu tư cao tốc xây trạm nghỉ để đồng bộ với đường, vốn có thể không nằm trong tổng mức đầu tư dự án cao tốc”, ông Quyền nói.
Theo PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, trạm dừng nghỉ là công trình thuộc hạ tầng đường bộ vẫn phải tuân thủ các trình tự của dự án xây dựng cơ bản nên khó rút ngắn quy trình.
Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trạm dừng nghỉ toàn quốc, khi đã có mặt bằng sạch, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đấu thầu dự án. Sau đó, nhà thầu trúng thầu lập dự án, trong đó có thiết kế kỹ thuật với các hạng mục chức năng của trạm. Sau khi được chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự án, nhà đầu tư tổ chức thi công xây dựng trạm và quản lý khai thác vận hành.
“Quá trình đầu tư vẫn phải theo trình tự của dự án xây dựng cơ bản, không có cách nào khác. Cơ quan quản lý có thể đẩy nhanh các thủ tục hành chính như quy trình lựa chọn nhà thầu, thẩm định, phê duyệt dự án. Theo quy định có thể phải mất 14 ngày để hoàn thành các thủ tục, cơ quan quan quản lý có thể rút quy trình xuống 10 ngày”, ông Chủng nói.
Khi nào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có trạm dừng?
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, việc xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có dự án, nhà đầu tư nhưng hiện đang chờ tỉnh cho ý kiến để thực hiện.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, việc xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có dự án, nhà đầu tư nhưng hiện đang chờ tỉnh cho ý kiến để thực hiện.
Tuy nhiên, hiện đang còn vướng mắc về nguồn vốn, chưa xác định sử dụng nguồn nào để đầu tư làm đường tăng giảm tốc. Làn đường này nhằm kết nối giữa phần đường cao tốc vào trạm dừng nghỉ.
Theo ông Bon, có 2 phương án nhưng đang chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định. Hiện có 2 nguồn vốn có thể sử dụng để làm làn đường giảm tốc, đó là sử dụng vốn của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc) hoặc sử dụng nguồn vốn của Công ty TNHH TMDV Xăng dầu Châu Thành (công ty đầu tư trạm dừng nghỉ).
“Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa vào khai thác hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có trạm dừng nghỉ. Với tình hình hiện nay, việc đầu tư xây dựng một trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này là rất cần thiết”, ông Bon khẳng định.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lý Hoàng Chiêu, Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Công ty TNHH TMDV Xăng dầu Châu Thành được giao đầu tư trạm dừng trên tuyến đường này nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, nên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Trạm có tổng diện tích 98.000m2, với tổng mức đầu tư trên 335 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã san lấp mặt bằng nhưng do chưa có đường giao thông đấu nối vào dự án để vận chuyển nguyên liệu phục vụ thi công, xây dựng nên dự án đang tạm dừng.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km, chạy qua địa phận tỉnh Tiền Giang, được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2022.