“Cái bắt tay” giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trước thời cuộc Trung Đông

Quốc tế - Ngày đăng : 09:15, 09/07/2023

Trong một diễn biến đáng chú ý ở khu vực Trung Đông, mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã nâng cấp quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ sau một thập kỷ quan hệ ngoại giao căng thẳng.

Câu chuyện “đường ai nấy đi”

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đi xuống vào năm 2013 sau khi Tổng thống Ai Cập khi đó là Mohamed Morsi bị lật đổ bởi quân đội do ông Abdel Fattah el-Sisi (hiện là đương kim Tổng thống) lãnh đạo. Ankara có quan hệ chặt chẽ với ông Morsi, một thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động tại Ai Cập.

Chính quyền Ankara đã lên án hành động quân sự trên là cuộc đảo chính chống lại một nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ. Về phần mình, Cairo cáo buộc Ankara can thiệp vào công việc nội bộ cũng như ủng hộ một tổ chức cực đoan. Sau đó, cả hai quốc gia đã rút đại sứ về nước.

Đến năm 2020, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập tiếp tục leo thang, có liên quan tới cuộc nội chiến tại Libya do Ankara và Cairo ủng hộ các phe phái đối địch ở quốc gia Bắc Phi giàu năng lượng này. Giữa năm đó, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can thiệp quân sự vào Libya, cử tàu chiến áp sát bờ biển Libya, điều máy bay chở vũ khí, chuyển thiết bị bay không người lái chi viện cho lực lượng thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA). Ý định của Ankara là hậu thuẫn cho GNA, làm suy yếu Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Halfar đứng đầu được Ai Cập hậu thuẫn. Cairo kịch liệt chỉ trích sự can dự của Ankara và để ngỏ khả năng đưa quân đội tham chiến. Có thời điểm nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập được đánh giá là “hiện hữu”.

Ngoài ra, vấn đề khí đốt tại Địa Trung Hải cũng thổi bùng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Vào tháng 8-2020, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đưa tàu khảo sát Oruc Reis tới Đông Địa Trung Hải chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận hàng hải giữa Ai Cập và Hy Lạp được ký kết nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước. Đây được xem như sự đáp trả trực tiếp đối với thỏa thuận tương tự đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Libya, giúp Ankara có thể tự do thăm dò dầu khí trên vùng biển của Libya ở Đông Địa Trung Hải. Chính vì thế, ngay sau động thái của Ai Cập và Hy Lạp, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố, khẳng định thỏa thuận phân định hàng hải nói trên nằm trong khu vực thềm lục địa của quốc gia này. Thậm chí, phía Ankara coi thỏa thuận này là “vô giá trị”, đồng thời vi phạm chủ quyền hàng hải của Libya. Ngược lại, Cairo yêu cầu Ankara không can thiệp vào các kế hoạch của Ai Cập, Cyprus và Hy Lạp nhằm đưa Đông Địa Trung Hải trở thành một trung tâm năng lượng khu vực.

tho-nhi-ky.jpg
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (phải) gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Cairo, Ai Cập, ngày 18-3-2023. Ảnh: The Times of Israel

Nỗ lực đưa mối quan hệ “trở lại quỹ đạo”

Trong nhiều năm, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập như “nước với lửa”. Tuy nhiên, tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng song phương bắt đầu xuất hiện hồi đầu tháng 3-2021, khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thời điểm đó là Mevlut Cavusoglu cho biết nước này và Ai Cập đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên kể từ khi hai nước cắt quan hệ vào năm 2013. Trước đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Ankara sẵn sàng đàm phán với Cairo về một thỏa thuận ranh giới trên biển ở phía Đông Địa Trung Hải theo tiến trình quan hệ giữa hai nước.

Trong năm 2021, Cairo và Ankara đã tổ chức 2 vòng đàm phán thăm dò ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa hai bên, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy giảm bớt căng thẳng với Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Israel và Saudi Arabia. Đáng chú ý, ngay từ cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào tháng 5-2021, hai nước nhất trí ký một tuyên bố chung, trong đó đánh giá các cuộc thảo luận diễn ra thẳng thắn và có chiều sâu khi đề cập đến những vấn đề song phương, cũng như một số vấn đề khu vực, đặc biệt là tình hình ở Libya, Syria và Iraq, cũng như sự cần thiết đạt được hòa bình và an ninh ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

tho-nhi-ky-6-7-2023.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, bắt tay bên lề Lễ khai mạc World Cup 2022 ở Qatar. Ảnh: Reuters

Kết quả của những động thái tích cực đó là cái bắt tay giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Ai Cập el-Sisi bên lề Lễ khai mạc World Cup 2022 ở Qatar. Hành động này được mô tả trong tuyên bố của Phủ tổng thống Ai Cập là “bước khởi đầu mới của quan hệ song phương”. Trong một chương trình thảo luận trên truyền hình được thực hiện ở tỉnh Konya của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan tiết lộ cuộc hội đàm giữa ông với người đồng cấp Ai Cập tại Qatar kéo dài khoảng từ 30-45 phút. Sau cuộc gặp giữa hai vị tổng thống tại Qatar, những cuộc đối thoại song phương bắt đầu được tổ chức từ cấp bộ trưởng, sau đó giai đoạn đàm phán ở cấp cao hơn sẽ được mở rộng.

Mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục ghi nhận sự cải thiện khi chỉ một ngày sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập đã điều 2 máy bay quân sự tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và cứu trợ thảm họa. Vào giữa tháng 2-2023, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã tiếp một phái đoàn gồm đại diện 14 công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tại Ai Cập hoặc có kế hoạch bắt đầu đầu tư vào quốc gia này.

tho-nhi-ky-ai-cap.jpg
Ai Cập điều 2 máy bay quân sự tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ thảm họa. Ảnh: Egypt Today

Nỗ lực ngoại giao con thoi của hai bên đã được thể hiện rõ trong những tháng đầu năm nay. Cuối tháng 2, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất theo lời mời của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu, đồng thời để tiếp tục đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ngay sau đó, ông Cavusoglu cũng có chuyến công du tới Ai Cập. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Ai Cập trong hơn một thập kỷ. Hai bên tiếp tục trao đổi các biện pháp hướng tới hàn gắn quan hệ song phương, bao gồm việc nhất trí về khung thời gian nâng cấp quan hệ ngoại giao.

Trong cuộc điện đàm vào ngày 29-5 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Ai Cập nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ giữa hai nước. Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Hai nhà lãnh đạo khẳng định chiều sâu của mối quan hệ lịch sử gắn kết hai quốc gia và hai dân tộc, đồng thời nhất trí tăng cường quan hệ song phương cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Tổng thống el-Sisi đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Ai Cập lựa chọn một ứng cử viên cho vị trí Đại sứ Ai Cập tại Ankara.

Cuối cùng, vào đầu tháng 7 này, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đồng ý nâng cấp quan hệ ngoại giao tới cấp đại sứ và nhất trí bổ nhiệm các đại sứ tại hai nước. Thông cáo chung của Bộ Ngoại giao hai nước nêu rõ, phía Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm ông Salih Mutlu Sen làm Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Cairo, trong khi Ai Cập đã chọn ông Amr Elhamamy làm Đại sứ nước này tại Ankara, chính thức chấm dứt một thập kỷ căng thẳng giữa hai cường quốc khu vực.

Trước đó, các nguồn tin cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm thăm Ai Cập như một phần trong chuyến công du một loạt nước trong khu vực, bao gồm cả vùng Vịnh. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Erdogan và ông el-Sisi kể từ tháng 11-2022.

Ai được lợi gì?

Thật khó có thể tin rằng, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Ai Cập lại có sự biến chuyển một cách tích cực nhanh chóng như vậy. Do đâu mà hai quốc gia đạt được bước tiến đột phá trong mối quan hệ này? Câu trả lời nằm ở hai chữ “lợi ích”, như cựu Thủ tướng Anh Henry John Temple Palmerston từng nói: “...chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. Trách nhiệm của chúng ta là theo đuổi lợi ích đó”.

Trước hết, Ankara mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Cairo, tạo động lực cho kinh tế trong nước. Ai Cập là đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi nhiều năm qua. Hiện nay, khoảng hai trăm công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang đầu tư 64 triệu USD và hoạt động tại Ai Cập. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng 14% lên 7,7 tỷ USD vào năm 2022 so với năm trước đó (6,7 tỷ USD). Mặt khác, nền kinh tế Ai Cập tiếp tục phát triển ấn tượng thời gian qua. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với quá trình chống dịch Covid-19 và phục hồi ấn tượng, Ai Cập trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong thế giới Ả Rập, với trị giá 469,1 tỷ USD trong năm 2022, đứng sau Saudi Arabia và UAE. Vì vậy, cải thiện quan hệ với Ai Cập sẽ giúp doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ an tâm đầu tư vào quốc gia Bắc Phi (hiện đạt tổng mức 2 tỷ USD), qua đó tạo lợi ích cho cả hai bên. Trong giai đoạn 2023-2024, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD vào Ai Cập đối với các lĩnh vực bán lẻ, năng lượng, thiết bị gia dụng và giao thông vận tải, thay vì chỉ lĩnh vực truyền thống là dệt may như trước kia.

Bên cạnh đó, Ai Cập có vị thế cực kỳ quan trọng trong khu vực, và việc hợp tác với quốc gia này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế tại Trung Đông - Bắc Phi. Cairo là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU), đồng thời có tiếng nói đáng kể trong Liên minh châu Phi (AU) cũng như các vấn đề khu vực. Đặc biệt, Ai Cập đóng vai trò nhất định trong hai vấn đề cấp thiết với Thổ Nhĩ Kỳ là tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải và Libya, chưa kể Ankara cũng hào hứng với vai trò trung gian hòa giải căng thẳng về đập Đại Phục hưng. Do đó, giành được sự ủng hộ của Cairo sẽ là khởi đầu tốt để Ankara củng cố vị thế của mình tại châu Phi, vốn lâu nay chủ yếu nhận viện trợ và đầu tư từ các cường quốc châu Âu và Trung Quốc. Liên minh châu Phi hồi năm 2008 đã khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược và ngược lại, các nước châu Phi cũng hưởng nhiều lợi ích từ quan hệ đối tác này. Một bể bơi đạt tiêu chuẩn Thế vận hội ở khu vực ven biển Senegal, một căn cứ quân sự ở Somalia và một sân bay rộng lớn đã được tu sửa tại Niger chỉ là một số trong các khoản đầu tư gần đây vào châu Phi của Ankara.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nỗ lực tái khởi động các quan hệ trong khu vực. Vì thế, thành công trong việc cải thiện quan hệ với Cairo có thể tạo động lực để Ankara tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này. Sau một thập niên đối đầu, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia và UAE gần đây đã có sự cải thiện đáng kể với những bước đi chủ động từ phía Ankara. Tháng 11-2021, Tổng thống Mohammed bin Zayed của UAE đã có chuyến thăm lịch sử tới Ankara. Tiếp đến, tháng 2-2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chuyến thăm đáp lễ tới Abu Dhabi. Cuối tháng 4-2023, Tổng thống Erdogan gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến nước này kể từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 gây căng thẳng giữa hai nước. Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, trong bối cảnh hai bên tìm cách hàn gắn quan hệ. Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng quyết định khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao sau nhiều năm rạn nứt. Trong bối cảnh thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi những căng thẳng địa chính trị, thiện chí hàn gắn rạn nứt, xích lại gần nhau hơn giữa các nước nói chung, và giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia khác nói riêng đều đáng được hoan nghênh.

Về mặt địa chính trị, Ankara có thể cần sự hỗ trợ của Cairo để giải quyết cuộc khủng hoảng với Hy Lạp. Mặc dù là hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lại bất hòa trong nhiều thập niên, với nguy cơ xung đột vũ trang phát sinh nhiều lần. Các vấn đề tranh chấp bao gồm các yêu sách lãnh thổ ở phía Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là ở khu vực Biển Aegean, sự phân chia giữa hai cộng đồng gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Cyprus và phân định ranh giới biển. Gần đây, Ankara và Athens đã nối lại các cuộc họp cấp cao sau khi thảm họa động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và tiến hành các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực không liên quan đến tranh chấp.

H Lan (Tỏng hợp)