Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 11/07/2023
Kết quả đạt được
Hàng năm, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nắm tình hình dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì hiệp thương với các Đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp. Từ đó, chủ động đề xuất và đăng ký nội dung giám sát với Thường trực cấp ủy cùng cấp và được phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội hàng năm.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, căn cứ vào các nội dung giám sát đã được cấp ủy cùng cấp phê duyệt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành thực hiện các bước đảm bảo theo quy trình, quy định. Thông qua nhiều hình thức giám sát, trong 5 năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tiến hành 972 cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức hơn 2.000 đoàn giám sát, nội dung giám sát được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lựa chọn gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của từng địa phương được nhân dân quan tâm...
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn ngày càng được quan tâm và phát huy tốt vai trò, chức năng của mình trong việc tiến hành giám sát nhiều công trình giao thông nông thôn, nạo vét kênh nội đồng, xây nhà ở hộ nghèo... Qua giám sát, các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng và đúng quy định, các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực đã kịp thời phát hiện, kiến nghị các chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục các sai sót, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư dự án trên địa bàn.
Song song đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý phản biện nhiều dự thảo các văn bản Quy phạm pháp luật, tham gia góp ý một số dự án Luật theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tập trung phản biện các chương trình, đề án, dự án về kinh tế - xã hội có liên quan thiết thực tới người dân tại địa phương; dự thảo Nghị quyết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của cấp ủy các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND và các dự thảo báo cáo của các ban, ngành liên quan cùng cấp...
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các nội dung, ý kiến đề xuất, kiến nghị sau giám sát đều được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục. Đồng thời, sau giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp luôn theo dõi việc khắc phục những kiến nghị của các đơn vị được giám sát và khi cần thiết sẽ đề xuất tái giám sát. Cùng với đó, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao và trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền ở một số địa phương cơ sở còn chưa đồng bộ. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp xã có nơi còn lúng túng trong việc đề xuất nội dung giám sát và chọn thành viên tham gia Đoàn giám sát phù hợp với nội dung giám sát. Đối với cấp xã có nơi chọn nội dung giám sát chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương. Nội dung phản biện chưa phong phú, đối với MTTQ cấp huyện và cấp xã chỉ tập trung phản biện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các Nghị quyết chuyên đề của cấp ủy cùng cấp. Có nơi còn nhầm lẫn giữa góp ý văn bản và tổ chức hội nghị phản biện xã hội...
Theo chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian tới Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Tiếp tục tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về kỹ năng giám sát, phản biện xã hội và một số lĩnh vực có liên quan cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về công tác giám sát, phản biện xã hội ở các tỉnh để MTTQ Việt Nam các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm...