Cảng tổng hợp Vĩnh Tân: “Cửa ngõ” lợi thế cho xuất nhập khẩu hàng hóa

Kinh tế - Ngày đăng : 09:19, 02/04/2019

BT- Đến thời điểm này, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) là cảng biển tổng hợp duy nhất của Bình Thuận và được xem như “cửa ngõ” lợi thế trong xuất - nhập hàng hóa cho cả vùng lân cận…
                
   Cảng tổng hợp Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong).

So cụm cảng gần nhất về phía Nam là Cảng Gò Dầu và Thị Vải - Cái Mép thì Cảng tổng hợp Vĩnh Tân của Bình Thuận nằm cách xa khoảng 270 - 300 km, còn về phía Bắc là Cảng Cam Ranh cũng cách xa hơn 100 km. Với vị trí như vậy, nếu xét về góc độ dịch vụ chuyển tiếp hàng hóa và Logistics (vòng tròn bao gồm các hoạt động lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi…) thì Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có vai trò “cửa ngõ” quan trọng trong việc giảm chi phí giá thành vận chuyển cho các nhà xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh tại Bình Thuận lẫn khu vực Nam Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Trao đổi về lợi thế này, lãnh đạo Công ty CP Cảng tổng hợp Vĩnh Tân cho biết tại Bình Thuận và khu vực Nam Ninh Thuận cũng có nguồn hàng hóa xuất khẩu tiềm năng như đá xây dựng, hải sản, trái cây, tro bay của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hoặc gỗ băm, hàng hóa từ các khu công nghiệp tại Phan Thiết… Ngược lại nguồn hàng nhập khẩu sẽ là vật liệu xây dựng (xi măng, nhựa đường), thiết bị phục vụ cho các nhà máy sản xuất điện mặt trời, điện gió mà theo thống kê tính riêng địa bàn Bình Thuận đã có hàng chục dự án được cấp phép đầu tư. Thêm nữa là Cảng tổng hợp Vĩnh Tân còn góp phần thu hút nguồn lực bên ngoài hình thành các khu công nghiệp, vì thực tế nhà đầu tư nước ngoài luôn coi trọng việc cắt giảm chi phí Logistics trong hoạt động sản xuất - kinh doanh…

Trong khi đó với tỉnh Lâm Đồng có sản lượng rau quả, trái cây, chè… xuất khẩu hàng đầu của cả nước sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc qua các cảng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh với khoảng cách 300 km nên phát sinh chi phí vận chuyển đáng kể. Đó chưa kể còn đối diện tình trạng quá tải, hoặc không thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn theo yêu cầu xuất khẩu mặt hàng quặng Bauxit của Lâm Đồng khi sử dụng cảng trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Bởi thế để giải quyết bài toán nêu trên, doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu hàng hóa sẽ chú ý đến những cảng có khoảng cách vận chuyển được rút ngắn, đồng thời có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn hơn… Từ vị trí “cửa ngõ” phía Bắc tỉnh Bình Thuận, nếu sớm được đầu tư nâng cấp mở rộng thì các xe trọng tải lớn có thể lưu thông từ TP. Đà Lạt đến Cảng tổng hợp Vĩnh Tân ngắn hơn nhiều so quãng đường dài 300 km. Đồng thời cơ sở hạ tầng của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân hiện nay cũng đáp ứng cho tàu trọng tải lên đến 50.000 DWT, dự kiến giai đoạn II sẽ tiếp tục đầu tư bến cập tàu trọng tải 70.000 DWT. Dự báo nhu cầu của các doanh nghiệp về vận chuyển hàng hóa bằng container, nhất là với container lạnh trong khu vực Bình Thuận, Nam Ninh Thuận và Lâm Đồng rất khả quan. Chính vì vậy, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân sẽ xúc tiến hợp tác để tận dụng khai thác lợi thế, ngoài ra cũng tìm hướng kết nối các tuyến giao thông thuận lợi đưa hàng hóa qua cảng…  

QUỐC TÍN