Thúc đẩy các chính sách liên quan đến nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 20:12, 11/07/2023

Tiếp tục ý kiến trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa XI, diễn ra vào ngày 11/7, một số đại biểu bày tỏ sự quan tâm nội dung được cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị đến HĐND tỉnh trước kỳ họp thường lệ giữa năm 2023. Đó là sự băn khoăn, lo lắng của nông dân về tình trạng nguyên, nhiên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao.

Trong khi tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cử tri lo lắng vì hiện nay thị trường tiêu thụ trái thanh long chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu nhà nước không có giải pháp quản lý phù hợp thì nguy cơ người dân không giữ được diện tích và yên tâm sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân.

z4280751382401_60fd7714ef3b1514778746bf624552be.jpg
Thanh long Bình Thuận (ảnh K.H)

Nêu ý kiến về lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, tổ đại biểu Tuy Phong cho rằng: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn “kép” như chi phí sản xuất cho đầu vào tăng cao, trong khi chuỗi tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng, dịch bệnh vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh.

z4506484095703_232359f39e3b68e039b75f0384da74bb(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Phú Hoàng nêu ý kiến thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 15 (ảnh K.H)

Vì vậy, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến, đại biểu Hoàng đề xuất, cần có chính sách đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất và chế biến sản phẩm. Có chính sách thu hút, khuyến khích các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học ứng dụng vào sản xuất, các loại hình có khả năng đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương; quy hoạch vùng trồng theo hướng quy mô và cánh đồng lớn.

z4413132040179_1d14be554d044f6500a59cac9d313d98.jpg
Du lịch trải nghiệm ở nông thôn (ảnh K.H)

Về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, đại biểu Hoàng mong các ngành chức năng tiếp tục quan tâm thúc đẩy các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng. Phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các điểm đến vệ tinh với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn.

Liên quan đến việc quản lý môi trường sinh thái, đại biểu Nguyễn Phú Hoàng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh có giải pháp, chiến lược căn cơ về bảo vệ môi trường tại các vùng trọng điểm về du lịch, các khu du lịch. Đơn cử, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường du lịch. Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định. Xây dựng quy chế về xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền giáo dục cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái trong sạch để làm tăng thêm giá trị của cảnh quan môi trường. Song song, có giải pháp thu gom và tiêu hủy rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Kiều Hằng - Thùy Linh