Đọc thơ Cao Hoàng Trầm

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:59, 14/07/2023

Trong giới hoạt động văn học ở Bình Thuận hiếm có một ấn phẩm đầy đặn, phong nhã như Tuyển tập thơ Dòng Sông Quê của tác giả Cao Hoàng Trầm.

Tập sách do nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản với bìa cứng, trình bày đẹp, dày gần 230 trang, chia làm các phần Thơ tuyển của Cao Hoàng Trầm gồm 81 bài thơ. Phần 2, nhà thơ và bằng hữu và phụ lục hình ảnh của tác giả với các văn nghệ sĩ thân quen. Trong tập còn có 20 bài thơ phổ nhạc. Dòng Sông Quê là tựa tập sách nhưng với Cao Hoàng Trầm, có thể coi đây là dòng sông thơ của đời mình, của nỗi lòng tuôn chảy qua bao cung bậc thác ghềnh để còn lại nỗi nhớ mênh mang…

z4506112125980_55163899341eb6f98d11748073dd9b30.jpg

Nhà thơ Cao Hoàng Trầm, tên thật Trương Văn Tôn là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống, gắn liền với phong trào cách mạng chống ngoại xâm ở quê nhà La Gi (Bình Thuận). Do đó trong thơ anh dù trải lòng cho những cảm xúc lãng mạn, những khắc khoải trầm tư vẫn đau đáu sự mất mát, hy sinh từ chiến tranh với hai người em trai ruột và nỗi đau của người mẹ hiền: “Tháng ngày mẹ dõi trông tin/ Mừng vui giải phóng quê mình là đây/ Ngóng chờ mẹ mở vòng tay/ Các con của mẹ sáng nay không về” (Lòng mẹ bao la-tr. 96). Những địa danh Động Bù, Mũi Đá, Núi Bể, Hồ Tôm… luôn đọng lại bao hoài niệm trong anh, của một thời lửa đạn và hào hùng…

Là người con sinh ra ở vùng đất biển, đong đầy cảm xúc trong anh “Chao nghiêng con sóng lượn khơi/ À ơi! khúc hát ru hời ngàn năm” (Nhớ về phố biển La Gi). Nhưng đây cũng là nguồn cảm hứng thấm đậm trong thơ anh: “La Gi biển mặn tình thơ/ Một thời sóng dữ phủ bờ quặn đau/ Ta nghe lòng biển dạt dào/ Về đây hoài niệm thắm bao ân tình”. “Một thời sóng dữ” (Dấu xưa), đó là hình ảnh La Gi trong khó khăn của căn cứ địa kháng chiến chống Pháp, rồi gian nan nối tiếp hai mươi năm trong vùng tạm chiếm thời đánh Mỹ mà nhà thơ Cao Hoàng Trầm đã nhìn lại với một tâm thế “Phất phơ tóc trắng phôi pha/ Nỗi buồn man mác đã qua một thời”. Đúng vậy, trong tâm trạng của người từng trải, dù thăng trầm cũng đến lúc lắng đọng, chiêm nghiệm cho nỗi an nhiên và độ lượng. Dưới mắt anh là Vườn Xuân, là Sắc Màu Thời Gian (tên hai tập thơ đã xuất bản 2018, 2011), với một tâm hồn rộng mở, lạc quan bởi “Cầu xây nối nhịp sông trăng/ Quê hương ta đẹp như hằng ước mơ/ Ngàn năm đất nước bây giờ/ Mùa Xuân bến cảng- em thơ đến trường (Mùa Xuân bến cảng La Gi). Bất cứ ai khi đứng tuổi, đôi khi lại nghĩ đời mình có lẽ đến lúc phải buông bỏ, thôi đành. Nhưng niềm đam mê, sự rung động, thao thức từ con tim của mỗi con người đều có lý tính và sức sống riêng. Cao Hoàng Trầm cũng thế. Sau khi rời khỏi chốn “quan trường”, anh khởi động đến với văn chương từ Câu lạc bộ Thơ ca La Gi, một thời đình đám ở địa phương. Từ đó anh trở thành hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. Với cương vị là một trong những người sáng lập thi đàn CLB La Gi, anh kết nối được nhiều nhóm thơ CLB ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tp. Hồ Chí Minh… Đặc biệt anh có tên trong một số tuyển tập Thơ Văn qua các bộ sách “Chân dung văn nghệ sĩ (quyển hạ)-Nxb.Hội Nhà văn-2018, tập “108 nhà thơ nhà văn Việt giữa thế kỷ 20-Nxb.Hội Nhà văn-2020, tập Thi tuyển “Hạt Vàng/ 10 Nhà thơ Việt-Nxb. Hội Nhà văn 2020… và trong các Tuyển tập Thơ Bình Thuận do Hội VHNT Bình Thuận ấn hành.

Khi đứng dưới bầu trời thi ca với bè bạn, bất chợt chút rung động để làm nên những câu thơ rút ruột, chân tình. Cao Hoàng Trầm thật sự nhận diện mình và với bài “Dòng Sông Quê” mà tôi thích nhất: “Điệu ca dao hát trong quán gió/ Dòng sông quê sóng vỗ ngọt ngào/ Thấm sâu lời mẹ ru từ đó/ Khúc đồng dao ta lớn ngày nào”. Hay một thoáng chốc của nhịp đập từ trái tim: “Khúc hát tâm tình chưa ngắt nhịp/ Nụ cười giao cảm thoáng xa bay/ Tình dài nỡ để ngày vui ngắn/ Điểm hẹn ai người nhớ chốn đây” (Tình thơ điểm hẹn).

Trong tập sách phần thơ chiếm tỷ lệ lớn số trang, cũng là nội dung trung tâm cho 39 bài cảm nhận và thơ… tương tác, đồng cảm của nhiều tác giả (Nhà thơ và bằng hữu) là nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng trong nước. Bài của Nhà phê bình văn học Ngô Nguyên Nghiễm đã khái quát diện mạo thơ Cao Hoàng Trầm với: “Cung cách sáng tạo trên phương diện thi ca của lão nhân Cao Hoàng Trầm đã đưa khí tiết, cái chân thực rung động trước mọi hoàn cảnh vào thơ. Chính vậy, nét cổ phong đã là tính thiết yếu giúp thơ ông đi sâu lắng vào cảm ngộ của tha nhân…”. Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Liên Tâm trong bài “Cao Hoàng Trầm đường thơ có một dáng xưa”, đã viết: “Nhà thơ Cao Hoàng Trầm góp mặt trên thi đàn Bình Thuận như một nốt trầm sâu lắng giữa bao nhiêu âm thanh lảnh lót của dàn giao hưởng đồng quê…”.

Thơ Cao Hoàng Trầm cũng tạo nhiều cảm xúc của giai điệu. Nhiều nhạc sĩ đã chuyển từ những dòng thơ anh tạo nên những giai điệu mượt mà, sâu lắng đã làm thăng hoa hồn thơ của anh. Những ca khúc “Đêm xuân mẹ về”, “Hồn quê” do Bùi Tuấn Anh hay “Mơ xưa” do Thanh Chương phổ thơ Cao Hoàng Trầm… dễ nhận ra cung bậc xao động bởi từ ngôn ngữ thơ của anh trữ tình, dung dị.

Tôi mượn lời “Lời mở đầu” của tập Dòng Sông Quê của nhà báo Thanh Như (tức nhà văn Dũng Nguyên) - là người biên tập bản thảo, để kết lại bài giới thiệu tuyển tập này: “Nói đến nhà thơ Cao Hoàng Trầm, không thể không nói đến dòng thơ tình của ông. Dù ôm ấp hoài vọng của một chiến sĩ cách mạng chờ ngày thống nhất quê hương, một người đang hoạt động giữa hai làn hỏa tuyến nhưng trái tim của nhà thơ vẫn còn biết rướm máu vì yêu, vì những mối tình…”.

ĐÔNG THÙY