Vòng tay của nội

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:02, 14/07/2023

Từng này tuổi rồi, nửa đời người rồi mà vẫn còn có nội để mỗi lần về thăm rúc đầu vào lòng nghe nội mắng “mồ tổ cha bây đi đâu sao lâu quá chừng mới ghé” thì còn gì hạnh phúc hơn.

Căn nhà của nội, chú Út có sửa sang lại nên hổng còn giống ngày xưa. Mảnh vườn trồng mãng cầu trĩu trái cũng không còn nữa, cả con đường quê rợp bóng mát ngày xưa cũng khác, rộng hơn, trải nhựa láng ót, nhưng mỗi khi ghé về nội cả quãng trời tuổi thơ lại hiện về, ăm ắp nhớ. Nhứt là khi vùi đầu vào lòng nội, nghe cái mùi trầu nồng nồng phả vào mũi thì tuổi thơ lại rõ mồn một trước mắt, khanh khách tiếng cười vang.

mau-thuan-1.jpg_911649915240.jpg

Hồi đó ngoại còn khỏe, vẫn còn gói bánh ít, đổ bánh bò bán chợ được. Mỗi sáng tinh mơ hay ù té chạy lên tìm nội canh me xin mấy cái bánh bò chai không nở được để ăn. Nội thương cháu lúc nào cũng dúi cho thêm vài ba cái bánh ngon biểu “mồ tổ cha bây ăn hoài hổng ngán sao”. Vội nịnh “bánh bò nội làm là ngon số dách sao ngán được”. Nội cười khà xoa đầu mắng “thôi đừng có dẻo miệng, ăn đi rồi về đi học coi chừng má bây đánh tét đít bây giờ”.

Vào những ngày chủ nhật, thường ở miết nhà nội tới chiều tối mới về. Thể nào sau phiên chợ sáng, nội cũng mua cho tôi dăm chiếc kẹo, món mà mẹ chẳng bao giờ mua. Có khi bán hết hàng nhanh, nội còn mua bún về cho tôi ăn sáng với mắm nêm. Mắm nêm nội làm vị thơm ngon đặc biệt chẳng hàng nào làm ngon bằng. Ngay cả thím Út đã được nội “cầm tay chỉ việc” vẫn không muối được thứ mắm có vị thơm ngon như nội muối. Có lẽ nội đã để cả tình thương bao la của mình vào đó nên hương vị mắm nên “made in bà nội” không thể có ai làm ngon được bằng nội.

Chưa bao giờ nội rầy la tôi chứ đừng nói đánh đòn. Mỗi lần má quánh vì tội làm bể chén hay lỡ bị điểm kém là tôi lại ù té chạy lên khóc kể với nội. Nội thường kéo tôi vào lòng kể chuyện hồi xửa hồi xưa cái thời chiến tranh khổ cực cơm cũng không có ăn, rồi khuyên tôi ráng học hành cho ba má vui, má đánh vì thương chứ không phải ghét bỏ, đánh để con cái sợ mà lo học hành mơi mốt đỡ khổ. Nghe nội giải thích vậy tôi thôi không giận má nữa.

Nội trồng một cây bưởi và một cây bồ kết trong vườn. Tới mùa bưởi ra hoa, nội hái bớt phơi khô dành để nấu nước gội đầu. Cứ mỗi chiều chủ nhật là nội lại nhờ tôi gội đầu giúp. Tóc ngoại dài óng mượt dù đã ngả màu muối tiêu. Luồn tay vào mái tóc của nội, tôi nghe một cảm giác mát rượi, êm mượt đến độ phải áp má tựa vào nịnh “tóc nội cứ đẹp hoài nội ha”. Nội lại cười khùng khục mắng “mồ tổ cha bây lại dẻo miệng nữa rồi, muốn xin xỏ gì đây”.

Bây giờ mái tóc ngày xưa chẳng còn nữa. Nội được thím Út cắt tóc tém “cho nó mát, lại dễ gội đầu”, thím biểu vậy. Nội lặng thinh không giải thích gì thêm. Chừng như nội đang nhớ mái tóc dài hồi xưa mà không dám nói. Tánh nội hồi đó giờ vẫn vậy, thương con thương cháu, dẫu có tiếc mái tóc theo nội từ hồi con gái cũng không nỡ buông lời trách móc sợ con cháu buồn, sợ con cháu cực. Nên giờ mỗi lần về chơi tôi thường rủ nội gội đầu. Dù mảnh vườn xưa đã khác nhưng cây bưởi và cây bồ kết vẫn đứng ở góc vườn, chú Út biểu để dành cho nội gội đầu chứ nội không chịu gội dầu gội chai đâu. Luồn tay vào mái tóc màu mây trắng, tôi thầm thì nịnh nội như ngày xưa “tóc nội cứ đẹp hoài à”. Nội không cười khùng khục, không mắng nữa, chỉ thở dài “hết đẹp rồi bây ơi”.

Nội ơi, với con bao giờ tóc nội cũng là đẹp nhất. Bao giờ lòng nội cũng là nơi yên bình nhất. Chỉ cần vục đầu vào lòng nội, nghe nội mắng “mồ tổ cha bây” thì bao giông gió cuộc đời ngoài kia tan biến hết vào hư không. Còn vòng tay chở che của nội là con còn nhỏ dại hoài nội ơi.

Khánh Vy