Gần một nửa nhân loại sống ở quốc gia trả lãi nhiều hơn chi cho giáo dục
Quốc tế - Ngày đăng : 09:33, 16/07/2023
Khoảng 3,3 tỷ người, nghĩa là gần một nửa nhân loại hiện sống ở các quốc gia chi trả lãi suất cho các khoản nợ của mình nhiều hơn là chi cho giáo dục hoặc y tế, một báo cáo của Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu của LHQ công bố mới đây.
Phát biểu tại một cuộc họp báo công bố báo cáo trên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, khủng hoảng nợ tập trung chủ yếu ở các nước nghèo đang phát triển, nó “không được đánh giá là gây rủi ro hệ thống cho hệ thống tài chính toàn cầu”.
“Đây là một ảo ảnh – 3,3 tỷ người không chỉ là rủi ro hệ thống mà còn là một thất bại mang tính hệ thống”, người đứng đầu LHQ cảnh báo.
Ông Guterres cho biết, các thị trường tài chính dường như chưa bị ảnh hưởng - nhưng hàng tỷ người đang bị ảnh hưởng và mức nợ công “đang tăng cao đáng kinh ngạc”.
Ông nói: “Vào năm 2022, nợ công toàn cầu đạt mức kỷ lục 92 nghìn tỷ USD và các nước đang phát triển phải gánh một khoản, không tương xứng. Một phần nợ ngày càng tăng được nắm giữ bởi các chủ nợ tư nhân, những người tính lãi suất cao ngất ngưởng cho các nước đang phát triển. Ông dẫn chứng, các quốc gia châu Phi trung bình trả tiền vay gấp bốn lần so với Mỹ và gấp tám lần so với các quốc gia giàu có nhất châu Âu.
Cuộc khủng hoảng nợ đang khiến các chính phủ không còn tiền để đầu tư vào các mục tiêu phát triển của LHQ đến năm 2030, bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo đói, đảm bảo mọi trẻ em đều được học ở các trường tiểu học và trung học chất lượng cao, đồng thời đầu tư vào chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. .
Báo cáo cho biết nợ công đã đạt đến “mức khổng lồ” chủ yếu là do hai yếu tố: thứ nhất, nhu cầu tài chính của các quốc gia tăng cao khi họ cố gắng chống lại tác động của các cuộc khủng hoảng nối tiếp bao gồm đại dịch Covid-19, chi phí sinh hoạt gia tăng và biến đổi khí hậu. Thứ hai, cấu trúc tài chính toàn cầu “làm cho khả năng tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển trở nên không đầy đủ và tốn kém”.
Báo cáo đưa ra một lộ trình hướng tới sự ổn định tài chính toàn cầu bao gồm những cải cách lớn đối với cấu trúc tài chính toàn cầu, đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Ngoài ra cũng bao gồm một “cơ chế” mới để giải quyết các khoản nợ bao gồm ngừng thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn, kể cả cho các nước thu nhập trung bình dễ bị tổn thương.