Thâm canh lúa tiết kiệm nước

Kinh tế - Ngày đăng : 09:43, 11/04/2019

BT- Kể từ thời vụ đông xuân 2016 - 2017 đến nay, mô hình “Khảo nghiệm mật độ gieo áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước” và “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI” liên tục được triển khai trên địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Tánh Linh… Trong vụ đông xuân 2018 - 2019, mô hình được thực hiện tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình (HTX Đức Bình), Tánh Linh, mang lại hiệu quả khá cao…
                
Sản xuất lúa theo phương pháp SRI.

 Nhân rộng mô hình

Hưởng ứng chương trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động giảm lượng hạt giống gieo sạ để tiết kiệm chi phí sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ứng dụng kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước để ứng phó với tình trạng nắng hạn, thiếu nước sản xuất, được sự quan tâm của Tổ chức SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ HTX Đức Bình xây dựng mô hình “Thử nghiệm 4 mật độ gieo áp dụng phương pháp tiết kiệm nước” (ướt khô xen kẽ) và mô hình “Thâm canh lúa nước theo phương pháp SRI” trong vụ đông xuân 2018 - 2019.

Theo đó, Trung tâm Khuyến  nông chọn  hộ ông Nguyễn Anh Đức, thuộc HTX Đức Bình tham gia với diện tích 0,1 ha. Có 4 công thức thử nghiệm, gồm lượng giống gieo sạ tương ứng 8 kg/sào (1.000 m2); lượng giống gieo sạ 10 kg/sào; lượng giống 12 kg/sào và lượng giống tương ứng 16 kg/sào (đối chứng). Giống lúa thử nghiệm là lúa thơm RVT. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn 57 hộ thuộc HTX Đức Bình tham gia thực hiện mô hình SRI với 25,4 ha.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Dung - cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình: Quá trình theo dõi và thực hiện thí nghiệm, cho thấy mật độ gieo sạ không ảnh hưởng đáng kể đến thời gian sinh trưởng của cây lúa, nhưng có ảnh hưởng đến chiều cao cây lúa. Mật độ gieo sạ 8 kg/sào và 10 kg/sào có số nhánh hữu hiệu cao nhất, gieo sạ 16 kg/sào khả năng đẻ nhánh kém; mật độ gieo sạ 12 kg/sào đạt năng suất cao nhất. Đối với điều tiết nước (có đặt ống nhựa theo dõi mực nước âm), thực hiện 4 lần ướt theo chu kỳ và 4 lần để khô mặt ruộng. Việc rút nước giúp rễ phát triển tốt hơn và cây cứng chắc, hạn chế sâu bệnh, nhất là rầy nâu xuất hiện và gây hại so với các ruộng giữ nước liên tục trước đây.

 Giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm nước

Qua mô hình cho thấy, tổng chi phí cho 1 ha lúa trong mô hình SRI khoảng 27,350 triệu đồng, thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình khoảng 2 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa theo phương pháp gieo thưa 12 kg/sào đạt hiệu quả tốt hơn so sản xuất truyền thống (20 kg/sào). Theo đó, ước tính nếu áp dụng phương pháp gieo thưa trên diện rộng với 12 kg/sào, nông dân HTX Đức Bình mỗi năm có thể tiết kiệm được 4,8 đến 9,6 tấn giống, tương đương 64,8 đến 129,6 triệu đồng (diện tích canh tác 40 ha, sản xuất 3 vụ mỗi năm). Đồng thời, nếu áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước trên diện rộng (8 lần tưới/ vụ), nông dân HTX Đức Bình mỗi năm có thể tiết kiệm được 514,320 m3 nước so với tưới truyền thống. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy các hộ mô hình SRI đều giảm được lượng giống gieo sạ từ 40 -60 kg/ha so ruộng bình thường. Năng suất lúa thực tế của mô hình khoảng 70 tạ/ha.

Theo ông Nguyễn Tám- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Giải pháp thâm canh lúa cải tiến SRI thực hiện trong thời gia qua đã chứng minh sự phù hợp và hiệu quả với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Do đó, trung tâm đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, có kế hoạch lồng ghép giải pháp SRI vào các chương trình, dự án để mở rộng quy mô, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Về phía tổ chức SNV tiếp tục thực hiện dự án, nhằm đưa phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI ra diện rộng, nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa…

    
     “SRI   (System of Rice Improvement) là phương pháp canh tác lúa sinh thái và   hiệu quả, tăng năng suất nhưng giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón,   thuốc trừ sâu và nước tưới. Những nguyên tắc/kỹ thuật cơ bản của phương   pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm   cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ…”.

Kiều Hằng