Chuẩn bị tốt để hành động nhanh

Xã hội - Ngày đăng : 06:01, 18/07/2023

Cao điểm của mưa bão trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hàng năm thường rơi vào những tháng cuối năm. Quy luật này được các địa phương, đơn vị đúc kết và có nhiều chủ động trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Mấy ngày qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện Tuy Phong, trong đó các cơ quan thường trực Ban CHQS huyện, Đồn Biên phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến hành đợt tổng kiểm tra, khảo sát, rà soát các cảng, cửa sông, khu neo đậu tàu thuyền, hồ chứa, bãi xỉ, các điểm xung yếu ven biển, triền đồi để bổ sung phương án, kế hoạch, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng ứng phó với các sự cố thiên tai, mưa bão, triều cường trong 6 tháng cuối năm 2023. Sau khảo sát, các kế hoạch, phương án, giải pháp được thống nhất ban hành. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện tham mưu cho UBND huyện Tuy Phong mở hội nghị triển khai, tập huấn, phổ biến đến các hộ ngư dân, các chủ tàu thuyền, cơ quan, doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản để tuyên truyền, phổ biến tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai và các kiến thức về phòng tránh, trú bão, thiên tai khi có tình huống. Phổ biến, thống nhất các tần số thông tin liên lạc giữa các lực lượng chức năng và người đi biển để ngư dân có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai…

imgp6334.jpg.jpg

Trung tá Dương Thái Sơn, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Tuy Phong cho biết: “Theo phương châm “4 tại chỗ”, chúng tôi tham mưu cho UBND huyện triển khai chuẩn bị mọi công tác trong PCTT và TKCN xuống các xã, thị trấn, các đơn vị, công ty, nhà máy trên địa bàn. Chú trọng công tác tuyên truyền, lấy phòng là chính, giúp cho mọi người dân hiểu biết, chủ động bảo vệ mình, người thân và tài sản. Đối với Ban CHQS huyện, các kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện, vật chất được kiểm tra, rà soát, chuẩn bị đầy đủ, để khi có tình huống là hành động được nhanh, hiệu quả”.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Thuận, 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 15 đợt lốc xoáy mạnh, làm bị thương 28 người, gây thiệt hại 95 ngôi nhà, gần 450 ha hoa màu, cây trồng chủ yếu tập trung ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, ước tính thiệt hại trên 70 tỷ đồng. Trên biển, gió lớn, sóng mạnh, triều cường làm sạt lở trên 300m bờ biển ở Phan Thiết, Tuy Phong; xảy ra 42 vụ tai nạn biển, làm chìm 6 tàu, 1 sà lan, lật 1 tàu hàng làm 10 người chết, 12 người mất tích, bị thương 51 người, thiệt hại tài sản trên 100 tỷ đồng.

lb.jpg

Đại tá Trần Hữu Nhân, Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận cho biết: Thiên tai, thời tiết cực đoan diễn ra mật độ ngày càng tăng, không theo quy luật, vì vậy công tác phòng, chống cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện, xã là cán bộ kiêm nhiệm. Mặt khác, số đông người dân, các công ty, nhà máy còn chủ quan, ít chú trọng đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai. Theo dự báo, những tháng cuối năm 2023 tỉnh Bình Thuận trực tiếp và bị ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới khoảng 11 - 13 cơn áp thấp, bão. Đến nay, Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS cấp huyện đã chủ động phối hợp kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở, vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng, bên dưới các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó sự cố, phương án di dời dân, thông tin cảnh báo.

Trên cơ sở đó, Bộ CHQS tỉnh đã điều chỉnh phương án, kế hoạch PCTT và TKCN. Dự báo cụ thể từng tình huống và tổ chức hội nghị hiệp đồng, phân công, giao nhiệm vụ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn để chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất. Ngoài ra, việc theo dõi và nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, mưa bão, mực nước các hồ, đập trên địa bàn, được Bộ CHQS tỉnh triển khai đến các kíp trực và chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Duy Thỉnh