Vẫn còn tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Kinh tế - Ngày đăng : 05:38, 19/07/2023
Toàn tỉnh còn 6 tàu chưa lắp VMS
Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 1.942/1.948 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 99,7%. Hiện chỉ còn 6 tàu chưa lắp VMS, 1 tàu đã chuyển hộ khẩu về Kiên Giang, 5 tàu đang hoạt động cầm chừng ở vùng biển ven bờ với các nghề như lồng bẫy 1 tàu, kéo đơn 4 tàu.
Song song với việc triển khai lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Trung tâm dữ liệu và các Trạm dữ liệu giám sát tàu cá trong hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh. Chi cục Thủy sản là cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý Trung tâm dữ liệu tỉnh; phân quyền, chia sẻ dữ liệu giám sát tàu cá trong phạm vi quản lý cho các Trạm dữ liệu để quản lý, sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tổ trực ban 24/7 tại Trung tâm dữ liệu có nhiệm vụ theo dõi, giám sát đối với 100% tàu cá hoạt động vùng khơi qua hệ thống giám sát tàu cá. Qua đó, giám sát, theo dõi, nhắc nhở, cảnh báo tàu cá gần ranh giới, vượt ranh giới cho phép khai thác nhằm ngăn chặn vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Chi cục Thủy sản, từ đầu 2022 đến nay, Tổ giám sát đã theo dõi và phát hiện 43 trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển (5 trường hợp do lỗi thiết bị, 22 trường hợp quay lại ranh giới sau 2 giờ, 16 trường hợp có hồ sơ xử lý vụ việc). Các trường hợp này, trực ban chủ động thông báo ngay cho chủ tàu, thuyền trưởng qua điện thoại, thiết bị thông tin liên lạc khác và yêu cầu tàu cá quay trở lại ranh giới cho phép trên biển. Trường hợp không liên lạc được hoặc tàu cá cố tình vi phạm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng trên địa bàn đến từng nhà chủ tàu làm việc và yêu cầu người nhà bằng mọi cách liên lạc với thuyền trưởng đưa tàu quay lại ranh giới cho phép hoạt động. Đặc biệt, trực ban tại Trung tâm dữ liệu đã theo dõi, cảnh báo, nhắc nhở hơn 80 lượt tàu cá hoạt động gần ranh giới chú ý trong quá trình khai thác không vi phạm vượt ranh giới cho phép.
Mất tín hiệu kết nối khi tàu hoạt động trên biển
Từ năm 2022 đến nay, theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình, Tổ giám sát đã phát hiện trên 120 tàu cá của tỉnh mất kết nối trên 10 ngày trên biển. Qua rà soát, xác minh các trường hợp mất kết nối sau 10 ngày chưa vào bờ, Chi cục Thủy sản đã gửi văn bản thông báo và chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư phối hợp với Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương xác minh, làm việc với chủ tàu cá để nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết thực hiện mở thiết bị VMS 24/24 theo quy định; đồng thời gửi thông báo cho các tỉnh để phối hợp xử lý. Ông Lê Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đối với tàu cá đang hoạt động gần ranh giới vùng biển Việt Nam, nhưng mất kết nối trên hệ thống giám sát, Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá theo dõi từng trường hợp, xác minh và thông báo đến Trạm Kiểm ngư, lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương để làm việc với chủ tàu, lập biên bản, xác định rõ nguyên nhân, lý do mất kết nối để có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm ngăn chặn thuyền trưởng lợi dụng ngắt kết nối để vượt ranh giới. Kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác đối với những tàu cá thuộc diện lắp đặt nhưng chưa lắp đặt thiết bị VMS; tàu cá mất kết nối thiết bị VMS. Từ năm 2022 đến nay Kiểm ngư đã xử lý 7 vụ vi phạm về VMS, phạt 175 triệu đồng.
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng việc mất kết nối VMS tương đối nhiều (hiện tại khoảng 26%). Nguyên nhân là do, chủ tàu không đóng phí dịch vụ hoạt động của thiết bị VMS, thuyền trưởng tắt hoặc vô hiệu hóa thiết bị, do mất nguồn năng lượng (kể cả thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời); do lỗi kỹ thuật, chất lượng của thiết bị không đảm bảo và có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, phần mềm giám sát tàu cá nhiều lúc thiếu ổn định cũng là nguyên nhân mất kết nối. Tuy nhiên, phần lớn là do thiết bị VMS của một số hãng như Bình Anh, LTRan thường xuyên bị hư hỏng, việc kích hoạt lại thiết bị VMS thường chậm trễ, nhưng các đơn vị cung cấp thiết bị này không có đại lý, văn phòng đại diện tại Bình Thuận. Từ đó dẫn đến việc hướng dẫn kỹ thuật, bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị khi chủ tàu có nhu cầu khó thực hiện, làm ảnh hưởng đến chuyến biển của ngư dân. Cũng có trường hợp thuyền trưởng cố tình tắt hoặc vô hiệu hóa thiết bị để vượt ranh giới khai thác ngoài vùng biển Việt Nam (điển hình là vụ tàu BTh-99064-TS, ngày 13/2/2023). “Đối với những trường hợp này, ngành chức năng chưa thể sử dụng dữ liệu VMS làm căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, các hành vi vi phạm IUU kể cả tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hành trình vẫn không xử phạt được, chỉ dừng lại ở mức cảnh báo, nhắc nhở đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý”, ông Bình cho biết thêm.
Ngày 10/4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép “Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản” theo Điều 64, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong khi chờ Chính phủ hướng dẫn và quy định cụ thể, Chi cục Thủy sản đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo hoàn thiện phần mềm giám sát tàu cá nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay. Ngoài ra, sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về thiết bị VMS. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong tỉnh và giữa các tỉnh trong việc kiểm tra, xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị VMS và vượt ranh giới cho phép khai thác. Quan tâm có chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.