Không chủ quan với tai nạn giao thông đường sắt

Pháp luật - Ngày đăng : 05:27, 20/07/2023

Mặc dù tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt 6 tháng đầu năm 2023 được kiềm chế, giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên vẫn còn đó những nguy cơ nên cơ quan chức năng và người điều khiển phương tiện không được chủ quan.

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường sắt qua địa bàn Bình Thuận xảy ra 1 vụ tai nạn, làm chết 1 người, không có người bị thương. Vụ tai nạn xảy ra ngày 21/1, tại Km 1538, tuyến đường sắt Bắc – Nam, thuộc thôn 6, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, khi tàu lửa SE25 do Võ Ngọc Thạch (SN 1972, ngụ Khánh Hòa) điều khiển lưu thông đến đoạn đường trên tông vào ông TTP (SN 1982, ngụ Hàm Thắng) đang nằm trên đường ray, làm ông P tử vong. Ngoài ra trên tuyến đường sắt qua Bình Thuận còn xảy ra một sự cố chạy tàu vào ngày 14/6, khi tàu SE2 trên hành trình từ TP. HCM đi Hà Nội, khi đến Km 1572 thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam thì toa bị trật bánh khỏi đường ray. Rất may sự cố không gây thương vong về người.

z3880460290638_c34c63407ecfb012a0c9ac2c3602fd15.jpg
Đường ngang dân sinh giao cắt đường sắt luôn tiềm ẩn rủi ro tai nạn giao thông.

So với cùng kỳ năm 2022, tai nạn đường sắt giảm 2 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương. Để đảm bảo ATGT đường sắt, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban ATGT tỉnh, các địa phương cùng với các đơn vị ngành đường sắt thực hiện 6 đợt kiểm tra về các biện pháp đảm bảo ATGT tại các đường ngang trên địa bàn tỉnh. Qua đó cũng đã đề nghị các địa phương phối hợp thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở, xử lý dứt điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt, nâng cấp cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động tại một số đường ngang...

Tình hình TTATGT đường sắt đã có những chuyển biến tích cực là tín hiệu đáng mừng, nhưng không được chủ quan lơ là, bởi với hệ thống đường ngang dân sinh giao cắt đường sắt qua địa bàn tỉnh nhiều, với hơn 170 điểm giao cắt đồng mức. Trong đó 64 đường ngang hợp pháp (7 đường ngang có người gác chắn, 42 đường ngang có phòng vệ bằng biển báo tự động, 15 đường ngang phòng vệ bằng biển báo) và hơn 110 lối đi tự mở nguy hiểm qua đường sắt, thì TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan.

Để đảm bảo ATGT đường sắt, trong thời gian tới Ban ATGT tỉnh cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đối với đường sắt sẽ đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm gây mất trật tự ATGT. Rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sống hai bên đường sắt và đối tượng thường xuyên đi lại qua đường giao cắt, để nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật về ATGT đường sắt, gắn với chủ đề năm 2023: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Ban ATGT tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh vị trí xây dựng đường ngang tại Km 1490+050 đến vị trí Km 1490+180, ưu tiên sớm triển khai đầu tư đường ngang này, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thiết yếu, an toàn của nhân dân 2 xã Hồng Thái và Bình An (Bắc Bình). Đồng thời kiến nghị để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư nâng cấp đường ngang phòng vệ bằng biển báo tại Km 1611+975 (thôn 2, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh) thành đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động và lắp cần chắn tự động, nhằm tăng cường cảnh báo và bảo đảm an toàn cho người dân tại khu vực này…  

Trần Huỳnh