Cần nâng mức ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin
Bạn đọc - Ngày đăng : 05:38, 20/07/2023
Trước đó, đã có các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của Chính phủ đã quy định về việc này. Cụ thể: Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/ QH11 ban hành ngày 29/6/2006, tại khoản 1 Điều 44 quy định: “Người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về điều kiện làm việc”; Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ, tại Điều 23 quy định: “Cán bộ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan nhà nước được hưởng chính sách hỗ trợ về điều kiện làm việc, gồm: Ưu đãi về sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin và trang thiết bị; ưu đãi về đào tạo, nâng cao trình độ CNTT… Khuyến khích các cơ quan nhà nước ban hành quy định ưu đãi về thu nhập cho nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan mình”.
Do đó, nhằm thu hút được nguồn nhân lực CNTT, đảm bảo đội ngũ cán bộ CNTT ổn định làm việc lâu dài trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị tỉnh và cơ quan nhà nước 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), đã có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chính sách ưu đãi cho cán bộ CNTT. Nổi bật là tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện nghị quyết về chế độ ưu đãi cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CNTT, viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2009, đối tượng áp dụng là công chức, viên chức được bố trí làm chuyên trách hoặc bán chuyên trách về CNTT, viễn thông và cán bộ lãnh đạo, quản lý trực tiếp chỉ đạo công tác CNTT, phạm vi áp dụng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở của các cơ quan Đảng, đoàn thể, hành chính, sự nghiệp. Cụ thể: Cơ quan hoặc bộ phận chuyên trách về CNTT cấp tỉnh; cơ quan đang quản lý cơ sở dữ liệu của tỉnh hoặc cổng thông tin điện tử của tỉnh; các cơ quan không quản lý cơ sở dữ liệu của tỉnh nhưng có website cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 trở lên và đạt trên 50% nhiệm vụ được giao; cơ quan hoặc bộ phận chuyên trách về CNTT cấp huyện; các cơ quan cấp huyện có mạng trên 10 máy tính; UBND cấp xã có mạng từ 4 máy tính trở lên.
Đồng chí Nguyễn Thị Thắng – Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ Thẩm định công nghệ thông tin khối Đảng tại buổi làm việc với Huyện ủy Tuy Phong về ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối với Bình Thuận, trong những năm qua, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị tỉnh và cơ quan nhà nước 3 cấp đang rất được quan tâm. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch tập trung chỉ đạo triển khai thành công nhiều Đề án CNTT. Riêng về chế độ chính sách cho cán bộ CNTT, tỉnh rất quan tâm, từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1170, ngày 26/5/2011 của UBND tỉnh về việc chi trợ cấp cho cán bộ quản trị mạng; với chính sách này đã và đang hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp phần nào đó giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phụ trách CNTT; tuy nhiên mức hỗ trợ rất thấp chỉ bằng 0,17 lần mức lương tối thiểu.
Trong giai đoạn tới, hoạt động ứng dụng CNTT của tỉnh Bình Thuận tiếp tục được phát triển mở rộng và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mục tiêu của tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 (theo Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy) là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Trước tình hình đó, việc ban hành chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức chuyên trách về CNTT trong cơ quan thuộc hệ thống chính trị là hết sức cần thiết, nhằm tạo động lực, nâng cao vai trò, trách nhiệm nguồn nhân lực CNTT góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNTT của tỉnh.