Bình Thuận cận kề đỉnh dịch sốt xuất huyết
Y tế - Ngày đăng : 05:44, 20/07/2023
Số mắc cao trong khu vực
Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận ghi nhận 2.153 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022 (1.679 ca), không có ca tử vong; trong đó, 65 ca SXH nặng. 3 huyện có số ca bệnh cao chiếm 59,3% tổng số ca mắc toàn tỉnh, gồm Hàm Thuận Bắc 533 ca, Hàm Thuận Nam 416 ca, Đức Linh 328 ca. Riêng La Gi, Hàm Tân, Tánh Linh có số ca mắc giảm. Tỷ lệ mắc/100.000 dân tại tỉnh là 159,1 vượt 23,3% so với chỉ tiêu năm 2023. Cùng thời gian trên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận điều trị 839 bệnh nhân SXH gồm 199 ca người lớn và 640 ca trẻ em. Trong đó, 67 bệnh nhân nặng và 13 ca chuyển lên tuyến trên.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình ca mắc SXH trong 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước đó, do chịu ảnh hưởng gia tăng dịch SXH từ những tháng cuối năm 2022 (năm chu kỳ dịch). Năm 2023 còn nhiều khó khăn về kinh phí, hóa chất nhưng các đơn vị y tế toàn tỉnh đã nỗ lực tìm giải pháp, huy động các nguồn hỗ trợ duy trì các hoạt động giám sát và kiểm soát không để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm lan rộng kéo dài. Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, tình hình dịch SXH dần được kiểm soát, số ca mắc tháng 5 - 6/2023 ở ngưỡng tương đương trung bình 5 năm giai đoạn 2017-2021.
Đoàn giám sát của Bộ Y tế cho biết, nếu năm 2022, số ca tử vong do SXH của Bình Thuận cao nhất khu vực miền Trung, thì 6 tháng năm 2023, số ca mắc SXH của tỉnh cũng nằm ở vị trí cao nhất khu vực. Số ca mắc cao như thế chưa phải là đỉnh dịch, mà được ví ở mức “chân sóng”. Còn đỉnh dịch của bệnh này tại tỉnh đang còn phía trước và rất gần. Nghĩa là dự báo, số ca mắc sẽ gia tăng nếu không có thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống.
Nguyên nhân
Sau khi giám sát thực địa, đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá chỉ số mật độ lăng quăng, bọ gậy, muỗi trong các dụng cụ chứa nước ở nhà người dân có mức cao, với chỉ số BI (Breteau index) 100 (là chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes). Người dân lo toan với cuộc sống hàng ngày, chưa chú ý đến việc diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi để phòng bệnh SXH. Bên cạnh đó, sự giao lưu về khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận, nguy cơ dịch bệnh gia tăng thì dễ làm ảnh hưởng đến kinh tế địa phương. Mặt khác, hiện tượng El Nino và sự biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản, sống lâu hơn. Thêm vào đó, thời tiết hiện đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Những gì đề cập làm gia tăng số ca mắc bệnh SXH do muỗi truyền.
Đại diện Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận chia sẻ: "Vai trò chẩn đoán sớm bệnh SXH rất quan trọng. Nếu ca bệnh SXH không được chẩn đoán sớm, thì điều này kéo theo khâu dự phòng khoanh ổ dịch, xử lý ổ dịch sẽ làm chậm lại, góp phần gia tăng và kéo dài số ca mắc bệnh. Bác sĩ điều trị chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng của SXH, chứ không có test nhanh làm xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 để chẩn đoán sớm. Nguyên nhân do khó khăn trong việc mua sắm đấu thầu vật tư y tế, sinh hóa phẩm tại bệnh viện".
Giải pháp căn cơ
Để giảm số ca mắc SXH, đoàn giám sát của Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế quan tâm đến thực hiện kinh phí phun hóa chất sớm; tổ chức giám sát các chỉ số véc tơ tại cộng đồng; thường xuyên kiểm tra, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã; sẵn sàng vật tư y tế, thuốc và nhân lực để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Kêu gọi người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Bằng cách chủ động thường xuyên tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; ngủ mùng, bôi kem xua muỗi tránh muỗi đốt…
Một khi thực hiện đồng bộ khẩu hiệu “Không có muỗi vằn, không có lăng quăng, không còn sốt xuất huyết” bằng những hành động thường xuyên, thì câu chuyện phòng tránh bệnh SXH là không khó.