Ngành Tư pháp nỗ lực vượt khó trong 6 tháng đầu năm 2023

Pháp luật - Ngày đăng : 15:32, 20/07/2023

Sáng 20/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Tại điểm cầu Bình Thuận có bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp tham dự.
z4532041547724_1196cb133a7131189e585344c44e47b5.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì, phát biểu tại Hội nghị

 6 tháng đầu năm Bộ, ngành Tư pháp bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ... và đã đạt được kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực công tác. Trong đó, xây dựng pháp luật đã ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các địa phương ban hành 1.540 VBQPPL; tiếp nhận, xử lý 1.459 đơn thư, trong đó có 952 đơn khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền...

Tại Bình Thuận, ngành Tư pháp tiếp tục thể hiện tốt vai trò tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh. Nhiều lĩnh vực công tác triển khai đạt kết quả tốt, trong đó công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận và hoàn thành 30/30 hồ sơ, trong đó: thẩm định 23 dự thảo... Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chú trọng, gần gũi với người dân; hòa giải cơ sở, đạt nhiều kết quả, đã hòa giải 635 vụ việc, trong đó hòa giải thành 419 vụ việc... Đặc biệt, công tác lý lịch tư pháp đã tiếp nhận 5.940 hồ sơ, đã xử lý 5.716 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng và sớm 5.710 hồ sơ, đạt tỷ lệ cao 99,9%. 

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Minh Hiếu thông tin và kiến nghị với Bộ, ngành Tư pháp: Thời gian qua, ngành Tư pháp Bình Thuận luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hướng dẫn, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Tư pháp, nên đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn  nhiều khó khăn, vướng mắc như, nhân lực mỏng, khối lượng công việc ngày càng tăng; kinh phí phục vụ các hoạt động Tư pháp còn hạn chế, nhất là cho hoạt động thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản...  Trong khi bối cảnh hiện nay nhiều vấn đề đặt ra cho ngành Tư pháp buộc phải phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của mình.

img_5256.jpg
Bà Phạm Thị Minh Hiếu phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác tư pháp trong thời gian tới, Sở Tư pháp Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực công tác. Bà Phạm Thị Minh Hiếu kiến nghị một số vấn đề cần tháo gỡ như,  Nghị định 55 của Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và biên chế của đội ngũ cán bộ pháp chế tại các sở, ngành, địa phương để xác định rõ hơn vai trò, nhiệm vụ chuyên trách của đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên ngành...

Tại hội nghị, các địa phương cũng đóng góp ý kiến làm rõ hơn kết quả cũng như hạn chế và tồn tại trong công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, nhằm thực hiện tốt hơn những tháng còn lại của năm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận những nỗ lực của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian qua. Đồng thời chỉ ra những điểm chưa được như, xây dựng pháp luật còn hạn chế khiến cho nhiều cơ quan cấp trên trong thế bị động;  quản lý nhà nước  còn thiếu kiểm tra giám sát nên xảy ra một số vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số còn lúng túng; tiếp nhận trả lời kiến nghị đôi khi còn chậm, có biểu hiện né tránh...

Bộ trưởng đề nghị toàn ngành tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng các VBQPPL; các địa phương chủ động kiểm tra đôn đốc việc tự kiểm tra hồ sơ, văn bản cho đúng, đầy đủ; ngành thi hành án dân sự cần quan tâm đến việc thu hồi tài sản liên quan án tham nhũng kinh tế; đặc biệt thực hiện tốt Đề án 06, nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay với UBND tỉnh, thành phố kịp thời tháo gỡ...

Ninh Chinh