Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 36: Phấn đấu để Bình Thuận có nền công nghệ sinh học phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 05:44, 21/07/2023

Tập trung phát triển, phấn đấu đưa Bình Thuận trở thành tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển với các trung tâm nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học.

Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh. Đó là mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động do Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XIV) vừa ban hành để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

cong-nghe-sinh-hoc-trong-nong-nghiep-3-1200x675.jpg

Thực trạng tình hình

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, đời sống được quan tâm hơn, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Chế biến sản phẩm nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm có lợi thế, nhất là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ sau đại học về lĩnh vực công nghệ sinh học tiếp tục được quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ sinh học chủ yếu là công nghệ sẵn có mang tính phổ biến, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu công nghệ mới để tạo ra sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; hoạt động nghiên cứu công nghệ sinh học hầu như chưa có gì, chưa đáp ứng được yêu cầu trong từng ngành, lĩnh vực; tác động của công nghệ sinh học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa nhiều. Đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về công nghệ sinh học còn ít, thiếu cán bộ đầu ngành có trình độ cao nên việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học còn gặp khó khăn, hạn chế… Để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, triển khai các chính sách hợp lý để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại tỉnh. Hình thành một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm hình thành từ công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học và phát triển công nghệ sinh học tại tỉnh nhà.

Nhiệm vụ và giải pháp

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan. Tập trung tuyên truyền, giới thiệu thành tựu công nghệ sinh học, các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả trên lĩnh vực này. Đồng thời tiếp tục rà soát, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công nghiệp sinh học; phát triển, hiện đại hóa công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong tỉnh. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phù hợp với điều kiện ngân sách của tỉnh cho các đơn vị sự nghiệp, các trung tâm đánh giá, kiểm định, kiểm soát dịch bệnh, phòng thí nghiệm, cơ sở y tế nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Sớm nghiên cứu hình thành khu công nghệ cao của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sinh học. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm tiếp cận và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, đề tài, dự án hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học có đào tạo lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học để trao đổi thông tin dữ liệu, hợp tác nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2045: Làm chủ được một số kỹ thuật mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của địa phương. Công nghiệp sinh học có đóng góp quan trọng và cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực công nghệ sinh học và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất tại địa phương.

Bảo Tín