Quán chay 0 đồng giữa lòng thị trấn
Đời sống - Ngày đăng : 05:49, 21/07/2023
Đều đặn mỗi buổi trưa, những người bán vé số, ăn xin, ve chai, lao động bình dân từ trẻ em đến người già… không cần hẹn đều ghé quán chay Ngộ Thiện (143 Quang Trung – thị trấn Phan Rí Cửa) để dùng 1 bữa cơm chay miễn phí. Mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2023, nhưng không gian nơi đây trở nên thân quen với tiếng cười nói, lời hỏi han của những người cùng cảnh ngộ. Những món ăn nóng hổi ra lò, đều được thực khách đón nhận một cách hoan hỉ. Mặc dù chỉ là rau, củ, quả, nấm… nhưng ai nấy đều khen ngon, bởi những món ăn mộc mạc đã được chị đầu bếp dành hết tâm huyết vào đó. Những ngày đầu mới khai trương, lượng khách đến quán vượt dự toán ban đầu khiến anh Bùi Quốc Vũ (SN 1988) và nhóm bạn lúng túng. Không phải ngạc nhiên vì lượng người đến ăn quá đông, mà điều làm anh đau đầu nhất là sự thiếu ý thức, vô kỷ luật của những người đến quán. Cũng may Vũ là người địa phương, hiểu được tâm tính, lối sống của người dân quê mình, nên anh kiên nhẫn giúp họ thay đổi từ từ. Sau 1 tháng đi vào hoạt động, mọi thứ bắt đầu vào nề nếp, tình trạng mất dép không còn xảy ra, mỗi người ý thức đặt giày dép lên kệ gọn gàng trước khi vào quán, tự phục vụ và dọn dẹp sau khi ăn xong. Làm được điều ấy, Vũ mừng lắm, không còn cảnh chen chúc, chụp giựt, lộn xộn như những ngày đầu.
Từ 100 suất cơm mỗi ngày, sau 1 tháng, quán đã tăng lên 200 suất dành cho những ngày thường và gấp đôi, gấp ba đối với ngày mùng 1, 15 ÂL hàng tháng. Đặc biệt, quán chỉ phục vụ cho khách đến ăn trực tiếp, không mang về. Có được kết quả ban đầu ấy, ngoài sự hỗ trợ kinh phí từ vài người bạn ở quê và TP. HCM, sự quản lý trực tiếp từ Vũ, còn khoảng 5 – 6 người ở địa phương đến quán phụ giúp những công việc lặt vặt như rửa rau, rửa chén, múc cơm canh… Đặc biệt, mặt bằng quán cũng được chị Hân – chủ nhà, cho thuê không lấy tiền. Vũ cho biết: “Ngoài bếp chính là dì Bé có lương, những người còn lại đến quán làm đều từ tâm, họ tự nguyện đến phụ giúp quán mỗi ngày. Để có thể chuẩn bị đủ 200 suất ăn miễn phí, từ 7 giờ sáng, các thành viên trong quán đã có mặt để bắt tay vào chế biến thực phẩm. Không chỉ vậy, quán duy trì được đến hôm nay một phần cũng nhờ vài tiểu thương ở chợ góp thực phẩm, rau củ mỗi ngày, vài mạnh thường quân góp vài chục ký gạo. Đặc biệt, có những cô chú bán vé số lâu lâu đem đến ký đường, vài chai nước tương, vài ký gạo… Nhờ thế, quán chay trở thành nơi thân quen của những người còn khó khăn ở thị trấn”.
Bà Tư – một người bán vé số ở thị trấn chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đều ghé quán ăn vì thấy đồ ăn ở đây rất ngon, vừa miệng. Ăn miễn phí hoài cũng ngại, nhưng mấy đứa trong quán vui vẻ, nhiệt tình, bảo cứ đến ăn không ngại gì cả. Tôi đi bán vé số cả ngày chỉ lời khoảng 100.000 đồng thôi, nhưng lâu lâu cứ mua ít đường, gia vị hay ít trái cây phụ thêm cho tụi nhỏ như 1 lời cảm ơn”. Tiếng lành dần đồn xa, những người địa phương bắt đầu gom góp cho quán chay, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, bao nhiêu Vũ đều nhận và ghi sổ sách chi tiêu chi tiết. Đây có lẽ là động lực để Vũ và nhóm bạn đem đến cho những người thiếu may mắn đang sinh sống ở thị trấn này những bữa ăn đa dạng hơn, nhiều dinh dưỡng hơn.
Khi biết Vũ ăn chay trường gần 6 năm nay, nên việc ấp ủ mở quán cơm chay cũng không làm tôi quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, Vũ từng nói với tôi: “Mỗi người đều có cách cho đi của riêng mình. Tiêu chí của Ngộ Thiện là đón tất cả những người thích ăn chay đến thưởng thức, không phân biệt giàu nghèo, ngành nghề, từ đó dần lan tỏa lợi ích của việc ăn chay, hạn chế thịt động vật. Việc ăn nhiều rau, củ, quả rất tốt cho sức khỏe và hướng con người sống tích cực, ý nghĩa hơn, vì em là một minh chứng. Nhờ ăn chay, em cải thiện được một số bệnh như đau đầu, đau lưng, đặc biệt giảm được tính nóng nảy trong công việc cũng như cuộc sống”.
Với tâm niệm “cứ vui vẻ cho đi, đó là cách bạn yêu thương chính bản thân mình”, Vũ cùng những thành viên của “Quán chay 0 đồng Ngộ Thiện” đang cố gắng để ngày càng có thêm nhiều người cảm nhận được hơi ấm của tình người và sự sẻ chia, đùm bọc.