Cùng con đi qua tuổi “ẩm ương”
Đời sống - Ngày đăng : 05:38, 24/07/2023
Anh làm nghề xây dựng, chị buôn bán, điều kiện kinh tế vững vàng để chăm lo đầy đủ về vật chất cho hai đứa con. Con gái lớn của chị 13 tuổi, trắng trẻo dễ thương, trước đó vẫn được nhận xét là ngoan ngoãn, vâng lời. Nhưng dạo gần đây tính nết thay đổi, con không vừa ý với bất cứ thứ gì mẹ mua, thường xuyên trễ nãi và tị nạnh, so sánh ngay cả với em gái mình. Đỉnh điểm mới đây, sau một lô quần áo chị mua cho con, nó thẳng thừng chê mẹ lạc hậu, lỗi mốt. Để rồi tự đặt trên online mấy cái áo hở rốn, áo hai dây. “Nếu như trước đây, chị nói gì con đều vâng lời hoặc có vấn đề không đồng tình thì hai mẹ con đều nói chuyện với nhau. Tuy nhiên bây giờ thì khác. Mẹ nói một câu, con cãi một câu”, chị vẫn chưa nguôi cơn giận kể.
Trong những cuộc điện thoại, không ít lần chị thừa nhận lối sống của bọn trẻ bây giờ khác xa ngày trước, không biết chúng thực sự cần gì, muốn gì. Chiều theo sở thích, cảm xúc của con thì sợ con sẽ hư, nhưng nếu nghiêm khắc, quản lý chặt chẽ thì con trở nên xa cách, không gần gũi. Công việc buôn bán rất mệt, thêm việc làm thế nào để dạy dỗ con đúng cách hoặc trở thành “bạn đồng hành” cùng con như nhiều người vẫn nói, càng khiến chị “loay hoay” và không kìm được cảm xúc.
Quả thật nuôi dạy một đứa trẻ nên người không dễ dàng chút nào. Mỗi đứa trẻ một tính, một nết và hẳn nhiên không có công thức giáo dục chung để áp đặt hay so sánh. Hàng ngày theo dõi thông tin trên báo chí, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những mẩu tin trẻ vị thành niên có ý định từ bỏ cuộc sống của mình vì bị cha mẹ đánh, cha mẹ chưa hiểu mình nên uất ức, tủi thân, bị bạn bè trêu chọc, điểm kém… Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng gia tăng nhưng người lớn chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
Con cái nào đang còn nằm trong vòng tay cha mẹ đều là nguồn sống của cha mẹ cả. Từ nhiều tài liệu đọc được và câu chuyện của những người bạn làm trong ngành giáo dục, tôi trao đổi với chị rằng trước sự ồn ào, giận dữ của lứa tuổi “ẩm ương”, chị cũng như các bậc phụ huynh cần kiềm chế cơn nóng giận. Đợi đến khi không khí lắng dịu, cha mẹ hãy nói chuyện với con trên nguyên tắc tôn trọng, đồng cảm. Việc phụ huynh sử dụng đòn roi hay những biện pháp cấm cản hà khắc càng khiến con tổn thương và gục ngã. Và cha mẹ có thể bớt giao lưu bạn bè, thậm chí tạm hy sinh một số mục tiêu cá nhân để có thêm thời gian tương tác với con thông qua những hoạt động mang tính gắn kết như cùng xem phim, chơi thể thao, chơi cờ vua… Chọn đối thoại, đừng chọn đối đầu; lắng nghe, biết cách lắng nghe và thấu hiểu, nghĩ và hành động được thế có lẽ mới song hành dễ dàng cùng con qua tuổi “ẩm ương”.