Ồ ạt lặn sử dụng kích điện

Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 18/04/2019

BT- Vài năm trở lại đây, những ngư dân hành nghề lặn ở Tuy Phong bỗng chốc “được mùa”, phất lên làm giàu, khiến nhiều người tò mò và cả làng tranh nhau đi lặn…
                
   Lực lượng Thanh tra thủy sản bắt 1 trường    hợp sử dụng kích điện khi lặn.

Để tìm hiểu họ “được mùa” bằng cách nào, chúng tôi về xã Chí Công nơi có rất đông ngư dân hành nghề lặn từ nhiều năm nay. Nếu trước đây, các thợ lặn chuyên đi lặn cho các ghe nhỏ, mỗi ghe có khoảng 5 – 10 thợ lặn. Sản lượng sò ốc lặn bắt được sẽ được ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận giữa chủ ghe và thợ lặn. Nhưng 3 năm trở lại đây, các thợ lặn muốn làm chủ, nên chuyển sang sắm thuyền thúng có gắn động cơ và tuyển thêm 3 – 4 người vừa lặn vừa kéo. Theo các thợ lặn xã Chí Công, mỗi thuyền thúng gắn động cơ và máy móc thiết bị lặn có giá trị hơn 100 triệu đồng, nhưng nếu lặn theo kiểu truyền thống mặc đồ người nhái để chống lạnh khi xuống vùng nước sâu, xung quanh thân người thợ lặn quấn đầy dây chì, đeo kính lặn thô sơ, ống hơi ngậm trong miệng và nhảy xuống nước tìm bắt sò ốc… thì sản lượng thu về không cao. Do đó gần đây, dân lặn vùng biển này thường sử dụng kích điện, nhờ đó sản lượng tăng gấp đôi và thu nhập cao ngất ngưỡng khó ngành nghề nào sánh được.

Bắt nguồn từ dân lặn ở vùng biển Phước Thể. Một số thợ lặn nơi đây đi lặn ở Khánh Hòa, vô tình biết được cách các thợ lặn kích điện để tăng thu nhập. Thế là, rất đông dân lặn ở Phước Thể truyền tai nhau, ồ ạt sử dụng xung điện trong quá trình lặn, và dân lặn ở xã Chí Công cũng không ngoại lệ. Theo anh Võ Cường – một thợ lặn lâu năm ở Chí Công cho biết, mỗi thợ lặn trước kia chỉ cầm theo vợt và cào sắt để bắt sò ốc thì nay bỏ cào sắt, kèm theo 2 que chích điện. Khi thợ lặn chạm đáy, họ cắm 2 que xung điện xuống đất, các loài như sò ngọt, ốc móng tay, ngao 2 cồi, tu hài… chịu không nổi bèn trồi lên và thợ lặn cứ thế thu hoạch. Một thợ lặn chuyên nghiệp vào mùa cao điểm sẽ có thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng, nhưng nếu lặn có sử dụng kích điện thì thu nhập tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Do đó, hơn 90% dân lặn nơi đây đều dùng xung điện để cải thiện thu nhập. Tìm hiểu nơi bán các thiết bị xung điện, chúng tôi được ngư dân nơi đây cho biết, chỉ cần có nhu cầu, đặt hàng sẽ có người (địa phương) làm sẵn các thiết bị và giao tận nơi với giá 4 – 5 triệu đồng/bộ cho một người lặn.

                
   Thiết bị kích điện được bán với giá 4 - 5    triệu đồng/bộ.

Anh Trần Anh Tuấn – Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QL và BVNLTS) Tuy Phong chia sẻ, nghề lặn được đánh giá có thu nhập rất khá, nhưng khi sử dụng kích điện các loài thủy hải sản dưới đáy gần như bị tận diệt. Các chủng loại sò, ốc lớn thì trồi lên mặt đất, các con nhỏ, con non chịu không nổi bị chết vùi dưới đáy. Không chỉ vậy, các sinh vật khác trong chuỗi thức ăn của nhiều loài cá biển cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Khi cá biển không có thức ăn sẽ di chuyển sang vùng khác sinh sống, và cá biển ở vùng đó sẽ khan hiếm dần.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã mở nhiều lớp tập huấn, và tuyên truyền cho ngư dân hiểu tác hại của việc dùng xung điện bắt sò ốc, là tận diệt, hủy hoại môi trường, phá vỡ cấu trúc sinh thái biển, song vì lợi ích trước mắt người dân cứ phớt lờ. Quan trọng là mức xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên sau khi bị phạt, ngư dân lại tiếp tục tái diễn bởi lợi nhuận quá cao. Đây là vấn đề nan giải của ngành chức năng giữa bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thu nhập trực tiếp của ngư dân.  

    
      “Năm 2018, Trạm QL và BVNLTS huyện đã xử phạt 19 trường hợp kích điện.   Trong quý I/2019, trạm xử lý thêm 5 trường hợp sử dụng kích điện. Mỗi   trường hợp xử phạt chỉ từ 5 – 10 triệu đồng, tùy theo máy thuyền. Tuy   nhiên đây chỉ là những con số bề nổi khi lực lượng chức năng không đủ để   phát hiện và xử lý triệt để khi tình trạng lặn kích điện đang diễn ra ồ   ạt ở địa phương”, Trạm trưởng Trạm QL và BVNLTS Tuy Phong.       

Minh Vân