Phản biện xã hội dự thảo “Đề án Phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”

Kinh tế - Ngày đăng : 15:43, 25/07/2023

Sáng 25/7, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án Phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bố Thị Xuân Linh và Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phan Thị Vi Vân chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành liên quan và đại diện Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các chuyên gia...

Phát biểu tại hội nghị, bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Phát triển cây thanh long của tỉnh Bình Thuận đã góp phần rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, là sản phẩm quan trọng giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng nguồn thu ngân sách địa phương và làm thay đổi bộ mặt nông thôn các huyện trồng thanh long trong tỉnh. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển thanh long đang tiềm ẩn nhiều vấn đề trong cả khâu sản xuất và tiêu thụ, cần phải làm rõ để giúp cho công tác quản lý cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.

e358f355-93a6-452a-808c-8f26ca67d523(1).jpeg

Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030” là để góp phần vào việc tổ chức sản xuất có định hướng, bền vững, đồng thời giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm thanh long, tạo ra giá trị gia tăng cao, củng cố và nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu thanh long Bình Thuận trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu chung của Đề án là cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Làm cơ sở để phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, bền vững và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng trái thanh long hàng hóa thông qua việc quản lý sản xuất theo quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm và xem đây là yếu tố then chốt để phát triển cây thanh long ổn định, bền vững và lâu dài. Đó là cần chú ý sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBAL GAP, hữu cơ… triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất; sớm có giải pháp và tiến độ để xây dựng thương hiệu chung cho “Thanh long Việt Nam” nói chung, “Thanh long Bình Thuận” nói riêng. Riêng về phát triển giống thanh long, theo đề án nghiên cứu, chọn và mua bản quyền một số giống thanh long mới, trước mắt mua giống thanh long ruột trắng kháng sâu bệnh và chất lượng cao theo yêu cầu thị trường để tái canh giống thanh long hiện có đã già cỗi...Đồng thời, hỗ trợ cho các đơn vị giúp họ phát triển thương hiệu hoặc hỗ trợ cải tiến bao bì, mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hoặc hỗ trợ thiết bị để nâng cao chất lượng, nhất là các đơn vị được chọn làm mô hình sản xuất gắn với du lịch...

Các ý kiến phản biện, đóng góp tại hội nghị chính là cơ sở cần thiết để hoàn chỉnh “Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030” theo đúng yêu cầu của UBND tỉnh.

T. Thuỷ