Nguy cơ tai nạn giao thông từ thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Pháp luật - Ngày đăng : 06:17, 26/07/2023

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài 200km đi vào hoạt động, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ, đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Việc cấp thiết đầu tư trạm dừng nghỉ không chỉ là mong muốn của cánh tài xế mà còn của nhân dân.

Bất an trên cao tốc

Khuya ngày 24/7 một vụ tai nạn giữa 2 ô tô khách xảy ra trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đoạn qua xã Phan Hòa (Bắc Bình) làm cho mọi người không khỏi một phen hú vía. Vụ tai nạn xảy ra khi xe chở khách 16 chỗ đang đổ trên làn đường khẩn cấp thì bị xe khách 45 chỗ lưu thông tông tới từ phía sau, làm 6 người bị thương. Vụ tai nạn may mắn không gây tử vong, nhưng những hành khách trên 2 xe không khỏi bàng hoàng bởi tính chất của vụ tai nạn. Đây không chỉ là vụ tai nạn duy nhất trên tuyến cao tốc này kể từ khi đưa vào sử dụng, mà trước đó đã có xảy ra tai nạn chết người.

362299742_2742020852606689_9207141468372820434_n.jpg
Xe 16 chỗ trong vụ tai nạn xảy ra khuya 24/7 trên cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo.

Có thể thấy, sau khi 2 đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (dài 99km) và Phan Thiết – Vĩnh Hảo (dài 100,8km) đưa vào hoạt động lưu lượng phương tiện và người dân lưu thông rất đông. Tuy nhiên trên 2 đoạn cao tốc này còn khá nhiều bất cập để đảm bảo TTATGT. Bất cập dễ thấy nhất là hệ thống điện chiếu sáng ban đêm nhiều đoạn chưa có. Làn đường khẩn cấp hẹp và ít (từ 5 - 7 km mới có nơi dừng xe khẩn cấp, chỉ dài khoảng 170 m) nên rủi ro xảy ra tai nạn như vụ việc nêu trên là hiện hữu. Đặc biệt, hiện nay hai tuyến cao tốc này chưa có trạm dừng nghỉ cho tài xế và hành khách. Đây là một bất cập dẫn đến những phát sinh, đe dọa đến ATGT nhiều nhất hiện nay, trên 2 đoạn cao tốc này. Nhiều lái xe phàn nàn về việc họ điều khiển một quãng đường rất dài, nhưng không có nơi để dừng nghỉ thư giãn. Anh Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi, ngụ thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam) lái xe tải cho biết: Là người thường xuyên di chuyển đi trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi thấu hiểu sự bức bách, cần lắm những trạm dừng, vừa đảm bảo ATGT, vừa đáp ứng nhu cầu của lái xe và người dân. Theo anh Tuấn, trên 2 đoạn cao tốc qua Bình Thuận hiện anh và cánh tài xế đường dài muốn dừng nghỉ không còn cách nào khác là phải tranh thủ vào làn khẩn cấp để chợp mắt, hay để xử lý tình huống kỹ thuật liên quan đến ô tô. Do vậy không dễ bắt gặp hình ảnh xe dừng nghỉ khá nhiều trên làn đường khẩn cấp của 2 đoạn cao tốc này. Đây là mối đe dọa TNGT cho các phương tiện khác khi lưu thông với tốc độ nhanh, trong điều kiện thiếu đèn chiếu sáng...

362958256_2742021002606674_8293737837626923242_n.jpg
Làn đường dừng khẩn cấp quá hẹp, người dân cần có thêm cảnh báo khi dừng xe.

Cần khẩn trương đầu tư trạm dừng nghỉ

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, việc bố trí trạm dừng nghỉ trên cao tốc trung bình 50 - 60 km/trạm. Câu chuyện chậm trễ trong xây dựng các trạm dừng nghỉ làm người dân không khỏi bức xúc, bởi dự án cao tốc được khởi công và hoàn thiện khá lâu. Nhiều người cho rằng việc chậm trễ xuất phát từ sự thiếu chủ động trong kêu gọi đầu tư, để khi cao tốc đi vào vận hành dẫn đến không có trạm dừng nghỉ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây Ban quản lý dự án 7, đã hoàn thiện và trình Bộ Giao thông Vận tải hồ sơ thiết kế 4 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Theo đó, một trạm dừng nghỉ sẽ đặt tại Km205 thuộc xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) cách nút giao Ma Lâm khoảng 3 km. Vị trí thứ 2 là tại xã Phong Phú (Tuy Phong). Tại mỗi vị trí sẽ có 2 trạm dừng nghỉ đối diện nhau ở cả 2 chiều lưu thông. Theo thiết kế, mỗi trạm dừng nghỉ rộng 5 ha, bố trí ở cả hai hướng lưu thông. Các tiện ích ở mỗi trạm đảm bảo đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân khi dừng nghỉ trên cao tốc như: xăng dầu, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí... Việc xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được đấu thầu. Doanh nghiệp trúng thầu tự bỏ chi phí xây dựng, khai thác theo thời gian ký kết trong hợp đồng. Tương tự cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư 2 trạm dừng nghỉ ở cả 2 hướng tuyến, với mỗi trạm dừng nghỉ có diện tích 2 ha. Vị trí dự kiến đặt trạm nằm tại xã Tân Đức (Hàm Tân) đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Có thể nói việc đầu tư các trạm dừng nghỉ trên cao tốc là hết sức cấp thiết lúc này, bởi không chỉ mang yếu tố đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân, mà còn góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi lưu thông trên 2 tuyến cao tốc. Trong khi chờ hoàn thiện các hạn chế, bất cập trên 2 đoạn cao tốc, người điều khiển phương tiện cần hết sức chú ý để giảm rủi ro tai nạn cho mình và cho người khác.

Phúc Sinh