Vị đảng viên lão thành - thương binh - thầy thuốc
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:51, 28/07/2023
Ông là đảng viên lão thành Đảng Cộng sản Việt Nam, có 51 tuổi Đảng, cựu sỹ quan của Trung đoàn 20, trực thuộc Quân khu 9. Còn có một thế hệ mới đảng viên tri thức, tinh hoa được kế thừa trong gia đình ông. Đó là các con trai và con dâu của ông, đều là đảng viên, đang công tác hành chính sự nghiệp tại địa phương.
Khu vườn rộng thênh ngăn cách tiếng ồn và khói xe. Phong cảnh nông thôn yên bình đẹp như bức tranh thủy mặc. Đang tiết lập xuân cây cảnh xinh tươi đâm chồi nảy lộc. Cơn mưa xuân tưới mát thảm cỏ xanh đẫm làn hơi nước mát lành. Đàn chim xây tổ cư trú trên tán lá xanh hót vang báo hiệu khách đến. Chúng tôi - những cựu chiến binh đến nhờ thầy Chiến thăm bệnh và bổ thuốc.
Hữu duyên tri ngộ đưa bước chân tôi đến đây gặp thầy. Nơi ghế đá hàng hiên mát rượi. Hoa lá dược liệu thơm thoảng. Cảnh trí nên thơ. Tình người mến khách. Thời giờ là quý giá, với lòng chân tình thầy Chiến quyết mời chúng tôi lưu lại gia trang trò chuyện và thưởng rượu thuốc bổ dưỡng.
Mạch nguồn phong phú đời sống dịch chuyển qua các thời kỳ của vị đảng viên lão thành thu hút tâm trí tôi cuốn theo câu chuyện. Thầy bộc bạch gan ruột chuyện đời lính, chuyện đời thường. Thời chiến tranh- thanh niên hăng hái xung phong ra trận, khi hòa bình - là thương binh gắng công xây dựng quê hương. Dù đi đến nơi đâu, người đảng viên Đỗ Phúc Chiến vẫn một lòng trung kiên với Đảng, vững vàng ý chí chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Năm 1970, anh Chiến ở Gia Bình, Bắc Ninh tòng quân nhập ngũ, theo đoàn quân Nam tiến, anh công tác và chiến đấu tại đơn vị C19, Trung đoàn 20 trực thuộc Quân khu 9. Anh tham gia những trận chiến đấu ác liệt tại mặt trận phía Nam, đánh tàu chiến của giặc Mỹ trên sông Cái Lớn, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tham gia chiến dịch giải phóng Ba Hồ, Kiên Giang 1973. Trung đoàn 20 hoạt động độc lập trong lòng dân, được nhân dân Kiên Giang nuôi dưỡng, tiếp tế quân lương. Năm 1972 -1973, thượng sĩ Chiến và đồng đội bí mật đóng quân tại gia đình má Sáu (má nay đã 92 tuổi, tháng 7/2022 ông Chiến cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa đã gặp mặt má Sáu), má là người có công với cách mạng ở ấp Rọc Lá, xã Tây Yên, huyện An Biên. Đó là giai đoạn cực kỳ gian khổ của đời lính, nhiều chiến sĩ dù bị nhiều thương tích, bệnh tật vẫn ứng trực chiến đấu tại mặt trận. Đêm của ta, ngày của địch, bộ đội phải nhanh nhạy ứng biến trong địa hình kênh rạch sông ngòi chằng chịt. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, trung úy Chiến là chính trị viên đại đội T94, Trung đoàn 20 đánh chiếm sân bay Trà Nóc, giải phóng thành phố Cần Thơ. Sau chiến tranh, thiếu tá Chiến công tác ở Trung đoàn 42, Quân khu 9, đến năm 1977 được kiểm tra giám định sức khỏe, xếp hạng thương binh 4/4, được giải quyết chế độ phục viên về Bắc Ninh.
Năm 1988 ghi dấu một sự dịch chuyển quan trọng của đời sống gia đình, anh Chiến cùng vợ là Lương Thị Trinh từ Gia Bình, Bắc Ninh theo đoàn di dân xây dựng khu kinh tế mới đến xã Vũ Hòa lập nghiệp. Hồi ấy, vùng đất này còn là rừng rú hoang sơ, muỗi độc, đĩa vắt, bệnh sốt rét hoành hành. Vợ chồng yêu thương gắn bó chung sức chung lòng, xóm làng đoàn kết, chia sẻ buồn vui vượt qua gian nan, khai khẩn ruộng đất, phát triển canh tác ruộng lúa và vườn cây cao su là chủ lực.
Trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương mới, người đảng viên Đỗ Phúc Chiến nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Vũ Hòa. Năm 1996 anh là Chủ nhiệm Hợp tác xã Vũ Hòa. Năm 2004 anh là thanh tra Quỹ Tín dụng nhân dân xã Vũ Hòa. Dù trong cương vị nào, anh cũng cố gắng trau dồi đạo đức, học hỏi nâng cao trình độ kiến thức công việc chuyên môn hoàn thành trách nhiệm, trung với Đảng, hiếu với dân, tạo được uy tín và tình cảm với nhân dân.
“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. 72 tuổi đời, nhưng vị đảng viên lão thành chừng như vẫn không già, ông chuyên cần rèn luyện thể lực và tinh thần, tu dưỡng lối sống giản dị, thanh cao. Năng lượng của ông còn đầy nhiệt huyết. Dáng đi nhanh nhẹn thanh thoát. Thân thể rắn chắc qua từng trải rèn luyện. Đôi mắt của ông vẫn rực sáng nét cười hào sảng, lạc quan và yêu đời. Năm 2011, ông nhận chế độ hưu trí nhưng vẫn không chịu nghỉ ngơi, đặt ra mục tiêu công việc mới. Ông ra sức gây dựng khu vườn trồng dược liệu, học hỏi tra cứu thực hành kiến thức y dược. Đến nay, thầy Chiến đã đạt được kết quả trong việc chuyên chữa trị một số chứng bệnh ngoại khoa và nội khoa bằng phương pháp y học cổ truyền, xử dụng đông nam dược, thầy đã nuôi trồng và sưu tầm bổ sung nguồn dược liệu nơi phong thổ địa phương, là công việc khó cần nhiều thời giờ và công sức. Thầy Chiến đặt ra mục tiêu phải luôn học hỏi tiếp thu kiến thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Tinh thần lạc quan và tấm lòng hiếu khách của vợ chồng thầy Chiến giữ chân chúng tôi lưu lại gia trang. Chủ nhân trân trọng mời khách nhấp chén rượu ngon. Câu chuyện thêm nồng ấm tình đồng đội chiến binh. Chị Trinh, vợ thầy đon đả vào bếp làm thêm món ngon nhắm rượu. Tình người, tình đất gắn bó yêu thương khơi nguồn câu chuyện cuộc đời mấy mươi năm dịch chuyển. Thầy Chiến từ độ ấy là thanh niên, giờ đây đang lão thành. Thời gian vụt trôi nhanh như vó ngựa phi. Nắng vừa đây chói chang đã thấy bóng chiều buông. Đôi vợ chồng Chiến Trinh kết mối duyên lành, sát cánh kề vai, chia sẻ đắng cay ngọt bùi mấy mươi mùa xuân rồi. Ngôi nhà hạnh phúc đã được vợ chồng xây dựng trên nền đất cao khu dân cư. Vườn cây cao su của gia đình có 20 ha là tài sản chủ lực, tạo ra chừng 500 triệu đồng trong mỗi vụ thu hoạch. Vợ chồng chung sức chung lòng nuôi dạy các con trưởng thành, sẵn sàng tham gia công việc hành chính sự nghiệp và đoàn thể xã hội.
Thầy Chiến là người đa tài, tâm hồn dào dạt thơ ca. Chúng tôi lắng nghe lời thơ và bài hát do thầy sáng tác trình bày. Những bài thơ ca ngợi tình cảm xóm giềng kết đoàn tương thân tương ái, sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, nếp sống văn hóa lành mạnh. Những bài hát dân ca làn điệu quan họ trữ tình. Tình yêu quê hương là chủ đề, tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường vượt qua gian khổ. Khi thầy diễn ngâm thơ ca, ngời ngời tinh thần phương phi tráng kiện của vị đảng viên 72 tuổi thể hiện trên khuôn mặt thu hút ánh nhìn thán phục của chúng tôi.