Giã cào bay trong mùa cấm sẽ bị phạt 1 tỷ đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 09:22, 24/04/2019

BT- Thời gian qua, dù đã có những quy định cấm, nhưng một số chủ tàu thuyền vẫn cố tình “phớt lờ”, dùng tàu có công suất lớn trên 90CV - hành nghề giã cào khai thác hải sản trái tuyến ở vùng biển ven bờ, gây thiệt hại nguồn lợi hải sản và ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên biển. 
                
   Tàu giã cào bay đang hoạt động sai tuyến    trên vùng biển Tuy Phong.

Hoạt động bất chấp quy định

Theo quy định, tàu thuyền làm nghề giã cào (nghề lưới kéo) không được phép hoạt động ở tuyến bờ, nhưng do nghề này có lợi nhuận cao nên các chủ tàu bất chấp mọi quy định, hoạt động sai tuyến, lấn sát vào khu vực ven bờ của các xã, huyện Tuy Phong để khai thác hải sản.

Được biết, giã cào là nghề khai thác hải sản dựa trên nguyên lý “lọc nước lấy cá”, tận thu triệt để bất cứ thứ gì mà nó đi qua. Với hai tàu công suất lớn trên 90CV, tốc độ từ 10-12 hải lý/giờ kéo theo một tấm lưới, phía đáy của lưới được gắn bằng một dây sắt nặng, đôi tàu có thể cào sâu đến tận đáy biển. Với tấm lưới có mắt lưới nhỏ đến mức cá, tôm... nằm sát đáy biển đến cá nổi trên mặt nước đều bị “quét” sạch.

Thời gian qua, Tuy Phong được xem là điểm “nóng” của giã cào bay. Còn nhớ, vào giữa năm 2018, hàng trăm ngư dân thị trấn Phan Rí Cửa tuần hành phản đối việc giã cào bay hoành hành, “vơ vét” tận thu triệt để các nguồn lợi thủy sản. Thậm chí còn làm hư hỏng ngư lưới cụ, ghe thuyền nhỏ của ngư dân mưu sinh ven bờ. Tuy Phong có 1.573 tàu cá với tổng công suất 193.871 CV, công suất bình quân 123,24 CV/tàu. Những năm qua, nhóm tàu có công suất lớn có sự chuyển dịch gia tăng nhanh từ 312 chiếc lên 600 chiếc, trong đó xã Hòa Phú có tới 64 tàu giã cào bay hoạt động. Ông Phạm Chính – ngư dân xã Hòa Phú cho biết: “Nguồn hải sản ven bờ vốn đã ít, mà tình trạng giã cào bay khai thác theo kiểu tận diệt thì còn gì con tôm, con cá nữa. Nếu các cấp, ngành chức  năng không xử lý triệt để tình trạng này thì chẳng bao lâu nữa, ngư dân hành nghề đánh bắt truyền thống ven bờ như chúng tôi chắc phải bỏ nghề vì nguồn lợi hải sản không còn để mưu sinh”. Được biết, phần lớn tàu giã cào bay ở Hòa Phú là tàu hoán cải, ghe tàu có công suất máy từ 45 - 60 CV nhưng được ngư dân tháo ra, sau đó lắp máy khác, độ chế thêm khiến ghe tàu tuy công suất lớn nhưng trọng lượng nhỏ. Vì thế, ngư dân chỉ quanh quẩn gần bờ, không thể ra khơi xa và dẫn đến cứ đánh bắt là... vi phạm. 

Tăng mức xử phạt

Trước tình hình phức tạp trên, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 61 cấm nghề lưới kéo đôi công suất lớn hơn 150 CV hoạt động khai thác thủy sản từ ngày 1/4 đến ngày 31/7 hằng năm vì đây là mùa sinh sản của các loài hải sản; dễ gây xung đột nghề nghiệp, làm mất an ninh trên biển. Tuy nhiên, cấm được tàu ở địa phương thì tàu giã cào bay ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kéo ra, rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng, uy hiếp tàu tuần tra, nguy cơ gây mất an toàn, nguy hiểm cho người thi hành công vụ.

Theo Trạm trưởng Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong – Trần Anh Tuấn, trong năm 2018 trạm đã xử lý 22 trường hợp giã cào bay. Hiện nay có khoảng 30 tàu đôi của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn lén lút hoạt động trên vùng biển Bình Thuận từ tháng 4 – 10 hàng năm. Những đối tượng này luôn cho người theo dõi lực lượng kiểm ngư, nhất cử nhất động của anh em đều được thông báo đến chủ tàu, nên rất khó phát hiện và xử lý triệt để. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản -  Huỳnh Quang Huy từng chia sẻ, nếu trước đây mỗi cặp tàu làm nghề giã cào bay vào mùa cấm sẽ bị xử phạt hành chính 150 triệu đồng. Hiện nay, theo Luật Thủy sản mới ban hành thì mức phạt hơn 1 tỷ đồng. Do đó, sẽ ít nhiều làm chùn tay những ai có ý định vi phạm.

    
      Bình Thuận đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu   các địa phương trong cả nước cần quy định những khu vực cấm tuyệt đối   với nghề giã cào. Riêng UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17 cấm đóng   mới tàu cá làm nghề giã cào dưới mọi hình thức.

M.Vân