Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Điểm nhấn giao thông đối ngoại
Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 23/04/2019
Ảnh: Đ.H |
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (chủ quản đơn vị thành viên Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vĩnh Tân) cho hay, công ty đã huy động nguồn vốn tập trung khoảng 2.300 tỷ đồng xây dựng cảng trên diện tích hơn 140 ha trong 4 năm qua hoàn thành theo kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ với hệ thống các bãi chứa hàng rời, bãi hàng tổng hợp, bãi hàng container, kho silo, có diện tích khoảng 110.000 m2 và kho hàng quy mô trên 5.000 m2. Hiện với quy mô cảng được xây dựng hoàn thành gồm 1 bến 3.000 DWT, 2 bến 50.000 DWT (trong giai đoạn phát triển sẽ thêm bến 70.000 DWT), công suất khai thác của Cảng quốc tế Vĩnh Tân lên tới 8 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp của Bình Thuận, Ninh Thuận, các tỉnh lân cận thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên được dự báo 4 triệu tấn - 6 triệu tấn/năm đến năm 2020. Cảng cũng sử dụng phương tiện, kỹ thuật, công nghệ hiện đại để điều hành, quản lý và khai thác. Hệ thống cần cẩu được áp dụng công nghệ điện biến tần, giúp vận chuyển hàng hóa an toàn hiệu quả, nhanh chóng, thân thiện với môi trường. Cảng quốc tế Vĩnh Tân là cảng nước sâu quy mô lớn do doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư xây dựng và khai thác, là công trình cảng biển hiện đại, cung cấp các dịch vụ logictics. Đây được xem điểm nhấn trong công tác xúc tiến đầu tư, kết nối vùng miền và cửa ngõ giao thương quốc tế của Bình Thuận. Hơn một năm nay, đã có hơn 100.000 tấn khối lượng hàng hóa xuất qua cảng như tro bay Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2; quặng ilmenite chế biến từ titan, cát thủy tinh, muối công nghiệp của các công ty trong tỉnh. Sắp tới, khi các chủ dự án nhiệt điện Vĩnh Tân xây dựng hệ thống tuyến ống khí nén xuất tro bay, xỉ cho doanh nghiệp ngoài tỉnh tiêu thụ bằng đường biển cũng thông qua cảng này.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết địa phương gặp không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Những năm gần đây, tỉnh đã thúc đẩy chủ trương huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư hạ tầng. Cảng quốc tế Vĩnh Tân đóng vai trò chiến lược làm đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo tiền đề thu hút đầu tư đối với Bình Thuận và khu vực các tỉnh Nam Trung bộ. Cảng quốc tế Vĩnh Tân ra đời là điểm nhấn quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn về kết nối giao thông đối ngoại. Cùng với các dự án hạ tầng trọng điểm khác đã và đang triển khai như nâng cấp quốc lộ 1A, xây dựng sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Nha Trang - Phan Thiết, Cảng quốc tế Vĩnh Tân sẽ thành một chuỗi hạ tầng đồng bộ, đa dạng góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho kinh tế Bình Thuận, tạo động lực thu hút đầu tư những năm tới.
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương chia sẻ thêm, qua hơn 1 năm khai thác bến cảng 30.000 DWT, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đa dạng và tăng trưởng tốt. Với công nghệ hiện đại, cơ sở vật chất thiết bị được đầu tư đồng bộ, Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vĩnh Tân sẽ khai thác hiệu quả cảng biển này, góp phần phát triển kinh tế Bình Thuận.
“Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1037 điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030, khu vực bến cảng Vĩnh Tân, Tuy Phong có chức năng làm hàng tổng hợp. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cập nhật cảng này vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 4 - Nhóm cảng biển Nam Trung bộ”. |
Thái Khoa