Hội nghị Thượng đỉnh Nga-châu Phi: Kế hoạch nâng tầm ảnh hưởng

Quốc tế - Ngày đăng : 16:03, 31/07/2023

Việc tăng cường quan hệ với lục địa có 1,3 tỷ dân đang ngày càng quyết đoán trên trường quốc tế sẽ đem lại nhiều lợi ích trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây o ép bởi hàng chục nghìn lệnh trừng phạt.

Kỳ vọng của Moscow vào châu Phi

Trước hết Nga kỳ vọng thực hiện bước đi "ngoại giao ngũ cốc" với tuyên bố đầy thiện chí là sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các quốc gia nghèo ở châu Phi. Nga hiểu rằng, đến với hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước châu Phi đều nhận thức rõ tác động của an ninh lương thực đối với ổn định chính trị, nên rất cần phân bón và ngũ cốc của Nga. Với "ngoại giao ngũ cốc", Nga sẽ củng cố uy tín của mình ở châu Phi, đồng thời tạo lợi thế trong mối quan hệ với các nước này. Nguồn cung lương thực của Nga được gửi đến các nước châu Phi đang tăng lên: nếu năm 2022 là 11,5 triệu tấn ngũ cốc, thì trong 6 tháng đầu năm 2023, con số này là gần 10 triệu tấn.

nga-chau-phi-putin-va-lanh-dao-chau-phi-2019-sputnik.jpg
Tổng thống Putin trong một lần gặp gỡ với các nhà lãnh đạo châu Phi trước đây. Ảnh: Sputnik.

Về thương mại, Nga muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Phi nhằm duy trì lợi ích kinh tế chung và bảo vệ lục địa này khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương bằng cách giảm ưu thế của đồng USD và chuyển sang các loại tiền tệ khác trong giao dịch. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Nga và châu Phi đã thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại. Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 là 18 tỷ USD và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỷ USD trong năm nay. Mặc dù chỉ số này đang là rất thấp so với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, nhưng đây được xem là thị trường rất có tiềm năng với giới doanh nghiệp Nga.

Cùng với bước đi “ngoại giao ngũ cốc” và tăng cường hợp tác thương mại, Nga kỳ vọng vào sự hợp tác với các nước châu Phi trong lĩnh vực an ninh. Điều mà các nước châu Phi mong muốn đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần này là một thỏa thuận an ninh với Nga, không bao gồm các nhà thầu quân sự tư nhân như lực lượng Wagner. Bởi vậy, Nga đã trấn an các nước châu Phi sau cuộc nổi loạn hồi tháng 6 của tập đoàn an ninh quân sự này, rằng hợp đồng của Wagner ở những nước này sẽ được duy trì. Hiện tại, Sudan, Mali và các nước khác đã ký hợp đồng bảo đảm an ninh với lực lượng Wagner. Chúng ta đều biết, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, liên minh phương Tây đã gia tăng áp lực đáng kể lên các nước châu Phi - thông qua các mối đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt, chấm dứt viện trợ tài chính và nhân đạo. Bởi vậy, tập đoàn an ninh tư nhân Nga Wagner đã triển khai lực lượng tại lục địa này nhằm thực hiện việc chống lại quân nổi dậy ở Mali và Trung Phi. Điều này cũng giúp Nga gia tăng ảnh hưởng.

Có thể thấy, đối với châu Phi, Nga hiện là đối tác được lựa chọn và được đón nhận nồng nhiệt hơn so với phương Tây, thậm chí cả Trung Quốc, bởi vậy, Nga đã tận dụng lợi thế này để đưa ra những sáng kiến và cam kết tại hội nghị thượng đỉnh lần này để tăng cường sự hợp tác với các nước châu Phi.

3007ngachauphi1.jpg
Toàn cảnh phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở thành phố St. Petersburg, ngày 28/7

Điều châu Phi quan tâm nhất

Không khó để nhận ra rằng, trước những biến đổi mạnh mẽ của tình hình địa chính trị thế giới và nhất là sau hàng loạt biến động lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu như đại dịch Covdi-19 và xung đột Nga-Ukraine, các nước châu Phi nhận ra rằng việc đảm bảo các dạng thức an ninh, gồm an ninh truyền thống, an ninh kinh tế, an ninh năng lượng và an ninh lương thực, cần được ưu tiên thúc đẩy hơn bao giờ hết. Và để đạt được mục tiêu đảm bảo các dạng thức an ninh này, việc trông chờ hay phụ thuộc vào một hay một nhóm đối tác là không còn hợp lý nữa. Do đó, cần đa dạng các đối tác tiềm năng có thể giúp đạt mục tiêu này. Có nghĩa là cần tranh thủ khai thác và không nên bỏ qua bất kỳ đối tác nào có thể giúp châu Phi vượt qua hàng loạt khó khăn trước mắt về cả an ninh, kinh tế, lương thực, năng lượng...

Trong khi đó, dù chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin vẫn là một nền kinh tế mạnh của thế giới, bên cạnh vị thế địa chính trị đã được khẳng định từ nhiều thập niên qua. Với các nước châu Phi gặp nhiều khó khăn về kinh tế và bất ổn về an ninh, những cam kết hào phóng về đầu tư, thương mại, viện trợ tài chính và lương thực, khả năng cung cấp vũ khí hiện đại dồi dào với giá cả cạnh tranh, cùng sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ từ Moscow, thực sự là rất hấp dẫn, khó có thể bỏ qua.

Có thể nói rằng Nga chính là đối tác có thể mang lại nhiều lợi ích thực tế cả về chính trị, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, thương mại-đầu tư, năng lượng, lương thực, vật tư nông nghiệp... cho các nước châu Phi, phù hợp với nhu cầu và cũng là mong muốn của châu lục đen trong giai đoạn hiện nay là cân bằng quan hệ với các cường quốc để phục vụ các lợi ích thiết thân của mình.

Tiếng nói chung giữa Nga và châu Phi

Ngày 28/7, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nước châu Tổng Phi đã thông qua tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ 2 và kế hoạch hành động chung của hai bên đến năm 2026. Tuyên bố của hội nghị xác định hai bên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 năm 1 lần và tổ chức thường niên hội nghị nghị viện quốc tế.

Tuyên bố hoan nghênh quyết tâm của Nga trong việc tiếp tục giúp đỡ các nước châu Phi đảm bảo lương thực, phân bón và các nguồn năng lượng; cũng như trong việc thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển quốc tế.

Có khá nhiều tiếng nói chung giữa 2 bên được đưa ra trong Tuyên bố chung này. Theo đó, trong khuôn khổ hợp tác, các bên thống nhất 74 điểm nghĩa vụ, trong đó có cơ chế “đối tác đối thoại” về chính trị, kinh tế và khoa học. Hai bên cũng thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại.

Hai bên cũng nhất trí ngăn chặn chạy đua vũ trang trên vũ trụ, hợp tác đảm bảo an ninh thông tin quốc tế và tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đặc biệt, Tổng thống Putin đã thể hiện rõ với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng ông sẵn sàng đối thoại về vấn đề Ukraine. Còn ông Azali Assoumani - Chủ tịch Liên minh châu Phi khẳng định Liên minh châu Phi sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và sẽ tìm cách thuyết phục Ukraine.

Thách thức trong hợp tác Nga - châu Phi

Qua diễn biến thực tế tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai cũng như hàng loạt động thái của cả hai bên thời gian qua, có thể thấy rằng cả Nga và châu Phi đều có mong muốn và nhu cầu hợp tác với nhau để đạt được các lợi ích của mỗi bên. Hai bên cũng đã đề ra nhiều giải pháp tổng thể lẫn chi tiết để thúc đẩy mối quan hệ này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc đưa mối quan hệ Nga-châu Phi có thể đạt được tiến triển tốt đẹp và mang lại lợi ích như kỳ vọng cho cả hai bên, là rất thách thức.

Với nước Nga, thách thức lớn nhất là sự hạn chế về nguồn lực tài chính-kinh tế, vốn là một trong những điều mong chờ lớn nhất từ các đối tác châu Phi. Dù đã bảo vệ thành công nền kinh tế trong gần một năm rưỡi qua trước hàng nghìn biện pháp cấm vận chưa từng có của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nước Nga cũng chịu nhiều tổn thất đáng kể về kinh tế dù con số chính xác chưa được khẳng định. Điều đó khiến cho khả năng tập trung nguồn lực tài chính lớn để thực hiện đầu tư và hỗ trợ cho các quốc gia châu Phi trong ngắn và trung hạn, là thử thách lớnvới Moscow.

Còn với các quốc gia châu Phi, thách thức lớn nhất trong nỗ lực xích lại gần hơn với nước Nga là áp lực liên quan đến việc cân bằng quan hệ giữa châu lục này với Nga và phương Tây cùng các đồng minh của phương Tây. Là những nền kinh tế thực dụng, các nước châu Phi khó lòng có thể hy sinh những lợi ích kinh tế và ngoại giao to lớn mà phương Tây cùng các đồng minh của phương Tây mang lại, để kết thân với Nga.

Bên cạnh đó, sự thiếu ổn định về chính trị-xã hội tại nhiều quốc gia châu Phi, cũng có thể tạo ra những thay đổi trong chính sách đối ngoại liên quan đến định hướng hợp tác với Nga theo kịch bản mà Moscow không hề mong muốn.

H Lan (Tổng hợp)