Gỡ khó và vướng, tạo điều kiện thúc đẩy Bình Thuận phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 05:27, 01/08/2023
Qua 7 tháng đầu năm 2023, kinh tế Bình Thuận ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở cả 3 trụ cột: Công nghiệp - Du lịch - Nông nghiệp, riêng tốc độ tăng trưởng GRDP nửa đầu năm nay đạt 7,76% (đứng thứ 11/63 tỉnh, thành). Bên cạnh đó, địa phương còn tập trung nguồn lực đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh và tiến độ công trình giao thông trên địa bàn… Song tình hình thực tế cũng cho thấy địa phương hiện đối diện không ít khó khăn, vướng mắc và cần được các bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét, hỗ trợ tháo gỡ. Bởi hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn đang gặp khó khăn, xuất phát từ đơn hàng liên tục sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Kết quả thu ngân sách cũng giảm so cùng kỳ năm 2022, một phần do nguồn thu từ các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất rất chậm vì vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính...
Vì vậy tại buổi làm việc trực tuyến giữa Đoàn công tác của Chính phủ với Bình Thuận (do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì) vào cuối tháng 7/2023, lãnh đạo địa phương tiếp tục kiến nghị một số vấn đề mới phát sinh. Như về quy hoạch, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản titan tại Quyết định số 1546. Tuy nhiên, quyết định khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản titan tại Quyết định số 645 lại chưa được Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh. Do vậy Bình Thuận đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét điều chỉnh Quyết định số 645, trong đó quan tâm điều chỉnh ra khỏi khu vực dự trữ một phần diện tích theo kiến nghị của UBND tỉnh... Với Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kiến nghị về điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất tại địa phương. Còn thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, Bình Thuận mong sớm tháo gỡ các vướng mắc trong xác định giá đất cụ thể (chủ yếu là áp dụng phương pháp xác định giá đất) để địa phương triển khai thực hiện.
Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Bình Thuận kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh để triển khai thực hiện dự án kè chống xâm thực, bảo vệ bờ biển phía bắc đảo Phú Quý. Cùng với đó là dự án Xây dựng hồ chứa nước ngọt và nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước huyện Phú Quý, dự án tỉnh lộ ĐT.711 kết nối cao tốc với đường ven biển theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... Với Bộ Giao thông Vận tải thì đề nghị quan tâm, xem xét sớm đầu tư xây dựng cầu vượt trên tuyến QL1A qua vị trí nút giao giữa đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và QL 1A (tại Km 1717+593). Thêm nữa là xây dựng tuyến nhánh rẽ phải theo hướng Dầu Giây - Phan Thiết trước khi đến nút giao Ba Bàu để đảm bảo dòng phương tiện ra khỏi cao tốc không xung đột với dòng phương tiện lên cao tốc về TP. Hồ Chí Minh.
Dịp này, UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương trong việc tham gia các hội chợ triển lãm, hoạt động khảo sát thị trường. Hay như tham gia các chương trình hợp tác, liên kết và chương trình kết nối giao thương, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm thanh long, sản phẩm OCOP của Bình Thuận. Mặt khác còn quan tâm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ xuất khẩu mặt hàng thanh long bằng hình thức chính ngạch, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc và thâm nhập những thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ cũng như hướng dẫn địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sẽ tạo điều kiện để Bình Thuận hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra.