Thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính
Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 01/08/2023
Tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vào sáng 19/7/2023, của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã nhấn mạnh: “Các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, đạt kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua. Bên cạnh đó các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023”.
Điều mà ai cũng nhận thấy đó là, từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh. Đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa. Thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã giúp làm giàu dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao những kết quả đã đạt được cũng như những nỗ lực cố gắng của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong công tác cải cách hành chính thời gian qua, đặc biệt là đã có nhiều địa phương có cách làm hay và hiệu quả. Điển hình là thành phố Đà Nẵng đã bãi bỏ các thủ tục có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, tạm trú, công bố mới lại bộ thủ tục hành chính, đến nay hầu hết các sở, ban, ngành đã công bố ban hành lại bộ thủ tục hành chính cấp sở, quận, huyện, phường, xã có thành phần hồ sơ liên quan đến sổ hộ khẩu, tạm trú. Thành phố Đà Nẵng còn triển khai thủ tục "3 trong 1" liên quan đến khai sinh và khai tử từ ngày 10/7/2023. Đặc biệt là thành phố Đà Nẵng đã thực hiện mô hình "Đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe". Đây là mô hình đột phá trong chuyển đổi số, theo đó người dân chỉ cần một bước đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cung cấp thông tin, giấy phép lái xe cũ sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục và trả giấy phép mới tại nhà cho công dân. Còn tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện thí điểm liên thông một số thủ tục lĩnh vực đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Theo đó người dân chỉ nộp hồ sơ một lần tại bộ phận một cửa nhưng nhận được nhiều kết quả, cắt giảm đáng kể thời gian và số lần đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, tỉnh đứng đầu cả nước về vị trí xếp hạng theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử… Đối với Bình Thuận, công tác cải cách hành chính cũng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương hết sức quan tâm và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp về mặt hồ sơ, thủ tục pháp lý, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu đầu tư cũng như thủ tục đầu tư về các lĩnh vực du lịch, nhà ở biệt thự, trường học, nhà máy... Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân hoàn thiện hồ sơ thực hiện các trình tự thủ tục tại Trung tâm Hành chính công cũng như tại các sở, ngành, địa phương có liên quan. Hỗ trợ các vấn đề liên quan đến hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đặc biệt là tỉnh đã phát động phong trào thi đua cải cách hành chính, giai đoạn 2022 - 2025 với thông điệp “05 T”, 05 K”, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. 05 T là: Tiếp xúc tổ chức, cá nhân lịch sự, vui vẻ, thân thiện, cởi mở; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ nhanh chóng; tận tình hướng dẫn chu đáo, dễ hiểu; tham mưu giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật và trả hồ sơ trước hẹn. 05 K là: Không gây khó, phiền hà, sách nhiễu; không để tổ chức, người dân đi lại nhiều lần; không nhận quà, tiền bôi trơn; không để trễ hẹn và không làm trái trình tự, quy định pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm gồm: Rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật xem vướng ở đâu để điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát lại hoạt động cải cách hành chính, chú trọng đơn giản các thủ tục hành chính người dân đang quan tâm như là các lĩnh vực tín dụng, hoàn thuế giá trị gia tăng, đất đai và 3 lĩnh vực động lực thúc đẩy phát triển kinh tế gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Rà soát, xử lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở chức năng, quyền hạn của mình, chủ động ban hành hoặc đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, hướng dẫn đầy đủ, thống nhất việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. Nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Tập trung chuyển đổi số theo lộ trình của Chính phủ; đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính; tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến…