Phát triển du lịch sinh thái ở Bình Thuận

Du lịch - Ngày đăng : 08:25, 01/07/2023

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, thúc đẩy ý thức trách nhiệm của con người đối với bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng phát triển bền vững hiện nay ở nước ta và tỉnh Bình Thuận.

Du lịch sinh thái là tổng thể của những hiện tượng, mối quan hệ phát sinh do tác động qua lại giữa khách du lịch, người kinh doanh du lịch, chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương. Du lịch sinh thái giúp gắn kết và có tác động không nhỏ tới cộng đồng dân cư địa phương, tạo cơ hội về việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời chính lòng hiếu khách, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân cư cũng là “yếu tố hấp dẫn” đối với du khách. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái nhưng vẫn bảo vệ được môi trường sống, làm phong phú thêm môi trường tự nhiên và bảo tồn, phát huy được những “đặc sắc văn hóa” của mỗi địa phương là xu hướng tất yếu để bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững kinh tế - xã hội.

thap.jpg.jpg

Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, cảnh sắc đồi núi, với nguồn tài nguyên rừng, biển, sông, suối phong phú, đa dạng, có tiềm năng dồi dào cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Với 192 km bờ biển, sở hữu nhiều bãi tắm đẹp với những bãi cát mịn và làn nước trong xanh, như La Gàn, Chí Công, Hòa Thắng, Mũi Né, Thương Chánh, Kê Gà, Cam Bình... Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có cung đường dọc ven biển “được ví” là đẹp của Việt Nam; có hệ thống thác núi ở Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Tuy Phong, hệ thống các khu rừng với cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa - lịch sử của các khu căn cứ kháng chiến ở huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu về lịch sử địa phương. Bình Thuận còn có các khu vườn thanh long, nho, nhãn, sầu riêng, măng cụt... kết hợp tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, để khai thác những “tiềm năng” trên phục vụ cho du lịch sinh thái một cách có hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường đòi hỏi rất nhiều yếu tố khi mà phát triển du lịch có tác động lớn đến môi trường tự nhiên.

Các yếu tố “tiềm năng” đã tạo điều kiện, dấu ấn cho du lịch sinh thái phát triển ở Bình Thuận rất đa dạng, phong phú nhưng cũng rất “riêng biệt”. Thêm đó nữa là bản sắc văn hóa đa dạng, đậm nét của 35 dân tộc sinh sống hòa thuận, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng. Chính sự hòa quyện, đan xen tinh tế của lịch sử, văn hóa, ẩm thực trên nền kiến trúc Champa, Lầu Ông Hoàng, Tháp nước, các đền chùa... có giá trị triết học phương Đông đã làm cho Bình Thuận có sức hấp dẫn về loại hình du lịch này.

Với tiềm năng to lớn về tự nhiên, cùng với nhu cầu thực tế của cuộc sống, nhu cầu “thẩm nhận” các giá trị lịch sử, văn hóa, ẩm thực thì việc phát triển du lịch sinh thái là tất yếu và chắc chắn được “nhìn nhận” tại Bình Thuận. Vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển du lịch sinh thái ở Bình Thuận một cách bền vững là một “bài toán” khó, nhưng không phải thiếu hoặc không có “cách giải”, nếu ngay bây giờ, ý thức và trách nhiệm du khách, người kinh doanh, cộng đồng dân cư ở Bình Thuận, cả cơ quan quản lý ở các cấp, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều được nêu cao, có chiến lược để “hiện thực hóa” trước mắt và lâu dài.

Song, thực tế đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các hoạt động du lịch sinh thái ở tỉnh ta còn nặng tính “ăn xổi”. Ở nhiều nơi, hoạt động du lịch sinh thái mang tính tự phát, không đúng nghĩa của loại hình này mà nhiều năm vẫn được hoạt động, chưa bị nhắc nhở. Có thể nói, chính việc hạn chế về nhận thức, sự buông lỏng về quản lý, cùng với việc thiếu chế tài đã làm nảy sinh những cách làm thiếu tổ chức và suy nghĩ ngắn hạn, dẫn tới những hành động “không phù hợp” với thiên nhiên.

Trước hết đối với du khách, không ít người muốn “thưởng thức” cảnh quan và sản vật thiên nhiên nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất và thậm chí là lạ nhất mà không quan tâm tới trách nhiệm của mình trong việc trân trọng, gìn giữ và bảo tồn sinh thái. Còn các công ty, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và cả người dân địa phương đang khai thác “kiệt quệ” sản vật thiên nhiên, đẩy nhiều loại động thực vật tới nguy cơ “tuyệt diệt”. Những kiểu “khai thác và thưởng thức” thiên nhiên một cách “thiếu” trách nhiệm, cần được lên án trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện cần xử phạt nghiêm những hành động hủy hoại môi trường sinh thái, nhằm nâng cao ý thức khai thác gắn với bảo vệ môi trường.

Một vấn đề khác cũng vô cùng quan trọng là trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và gìn giữ hệ sinh thái cho những cơ sở kinh doanh, người quản lý điểm đến và cả du khách. Họ cần hiểu những giá trị thiên nhiên và sinh thái tại địa phương mình, những rủi ro tiềm tàng cũng như những tác động tích cực và tiêu cực của du lịch đối với hệ sinh thái. Để giúp người dân địa phương “đổi đời”, phát triển bền vững, các cơ quan chức năng và các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn gắn với phát triển nông, lâm, ngư nghiệp từng địa phương với những quy định cụ thể. Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng đã tạo điều kiện cho các dịch vụ khác phát triển như: dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, sản phẩm đặc thù, trái cây đặc sản địa phương… đã tạo công ăn việc làm, thêm thu nhập cho người dân, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.

Thực tế cho thấy, nếu được quản lý tốt, hoạt động du lịch sinh thái sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị về truyền thống, lịch sử, văn hóa... thông qua đó đem lại thu nhập phục vụ cho công tác quản lý, cũng như mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng. Bài toán này cần được sớm “có lời giải” ở Bình Thuận.

DỤNG VĂN DUY