Trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường: Cần biện pháp mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 08:19, 22/04/2019
BT- Khu vực thôn hẻo lánh thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân đã không ít lần bị ô nhiễm môi trường từ chất thải các trang trại chăn nuôi heo trong vùng. Người dân địa phương đã phản ánh tình trạng này hơn 10 năm nay, nhưng một số trại chưa khắc phục được tình trạng này. Theo đoàn giám sát của UBND tỉnh đến trang trại Sunjin Vina Mekong (chủ đầu tư người Hàn Quốc sang nhượng trại Nông lâm Minh Truyền cũ trước dây) nằm ở thôn Suối Bang, chúng tôi hiểu rõ sự phản ánh của người dân lâu nay có cơ sở. Từ cổng vào phía bên trong trại nuôi số 3 đường cát lầy lội, hồ lắng lọc chưa hoàn chỉnh, cạnh đó bể xử lý nước thải chỉ xây dở dang rồi để đó.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong khảo sát trang trại chăn nuôi. |
Một cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường (Công an tỉnh) cùng đi trong đoàn cho hay: “Cách đây chưa lâu, chúng tôi đã kiểm tra trại số 1 và 2 nằm phía bên kia phát hiện hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi không hoàn chỉnh, đã tham mưu tỉnh xử phạt 270 triệu đồng. Trang trại này diện tích rộng lớn hàng chục ha, chăn nuôi nhiều nhưng đầu tư giải pháp bảo vệ môi trường không căn cơ, xả nước thải chưa qua xử lý vào suối gây ô nhiễm môi trường cho người dân thôn Suối Bang sinh sống phía hạ nguồn đã nhiều lần. Chúng tôi đang kiến nghị tỉnh có biện pháp mạnh hơn để chấn chỉnh”… Cùng với đó, đoàn vào giám sát trang trại chăn nuôi Bình Dương nằm trên địa bàn xã Tân Xuân, ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho hay, trang trại này đã từng gây ô nhiễm môi trường trên dòng kênh thủy lợi gần trại chảy ra suối Đó cung cấp nguồn nước chonhà máy nước thị xã La Gi, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Sở TN & MT cùng Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường qua kiểm tra nhiều đợt trước đây đã tham mưu tỉnh xử phạt 5 lần với tổng số tiền 520 triệu đồng đối với trại Bình Dương. Qua giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong yêu cầu chủ trang trại trên thường xuyên vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo môi trường, không để tái diễn ô nhiễm như trước đây.
Còn trang trại chăn nuôi heo công nghiệp của Công ty TNHH Đông Hiệp gần khu dân cư xã Tân Hà thuộc diện di dời vào khu chăn nuôi tập trung ở Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân hiện vẫn còn nuôi hơn 2.000 con heo thịt, trong khi hệ thống xử lý nước thải đã ngưng hoạt động, mùi chuồng trại phảng phất nặng nề trong khu vực chăn nuôi này. Đây là trại thường xuyên gây ô nhiễm môi trường lâu nay, Sở TN & MT cùng Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường kiểm tra, tham mưu tỉnh xử phạt trại Đông Hiệp 9 lần trong thời gian qua, tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Hiện trại chỉ mới nộp 204 triệu đồng.
Ông Đỗ Văn Thái cho biết thêm, trại chăn nuôi heo Đông Hiệp nằm trong số 7 trang trại thuộc diện bị xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng kèm theo đình hoạt động 3 tháng khắc phục hậu quả, vì nhiều lần không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Hiện trại Đông Hiệp còn nuôi là vi phạm. Trong buổi đoàn đến giám sát, chủ trại này hứa số heo hơn 2.000 con sẽ xuất chuồng vào 4 tháng tới, đồng thời xúc tiến thủ tục di dời trại vào khu quy hoạch theo cam kết với tỉnh… Còn 6 trại khác thuộc diện trên bao gồm Việt Đức, Phú Hùng Mạnh, Tấn Phát- Đồng Nai, Nam Bắc, Huỳnh Gia Phúc, Hồng Thiên Phúc và 2 trại heo hậu bị 1, 2 của Công ty TNHH Việt Hoàng T&T bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Sau thời gian đầu tư, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, đến nay, Sở TN & MT đã kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường cho trại: Nam Bắc, Phú Hùng Mạnh, Việt Hoàng T&T 1; trại Việt Đức, Huỳnh Gia Phúc đã cải tạo xong hệ thống xử lý nước thải, riêng trại Việt Hoàng T&T 2 đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chỉ còn trang trại heo- cá của Công ty Hồng Thiên Phúc tại thị trấn Võ Xu, Đức Linh không có khả năng khắc phục ô nhiễm, hệ thống nước thải không hoàn thiện, kéo dài thời gian nâng cấp, cải tạo, chưa lập hồ sơ xác nhận hoàn thành hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định, Sở Kế hoạch & Đầu tư đã có tờ trình số 938 (ngày 20/3/2019) kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương tạm ngừng hoạt động của dự án… Hiện vẫn còn khoảng 2 tỷ đồng các trang trại vẫn chưa nộp phạt do đang gặp khó khăn tài chính như: Tấn Phát- Đồng Nai với số tiền 734 triệu đồng, Phú Hùng Mạnh 420 triệu đồng, Phước Dung, Việt Đức... Sở Tài nguyên & Môi trường đang áp dụng biện pháp mạnh để truy thu nguồn này vào ngân sách, như ban hành quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp chủ trại.
Tập trung đầu tư đồng bộ
Qua đợt giám sát vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong yêu cầu các chủ trang trại (Ngọc Hân 2, Tân Thắng, Hàm Tân; Việt Hoàng T & T 1, Việt Hoàng T & T 2, xã Hồng Liêm, Làng Việt Nam xã Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc…) tập trung đầu tư xây dựng khép kín các biện pháp bảo vệ môi trường như hầm biogas, hồ chứa nước xử lý, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường chăn nuôi theo quy định, sớm gửi về Sở Tài nguyên & Môi trường thẩm định, cấp giấy phép hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường… Các chủ trang trại nuôi số lượng lớn phải thực hiện vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải để không gây ô nhiễm môi trường ra bên ngoài. Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp huyện giám sát quá trình này. Riêng trang trại Đông Hiệp gần khu dân cư xã Tân Hà, Hàm Tân thuộc diện di dời vào khu chăn nuôi tập trung của huyện Hàm Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất đề nghị của Công ty TNHH Đông Hiệp (chủ đầu tư trang trại) mở rộng thuê hơn 10 ha đất, phát triển đàn heo. đồng thời yêu cầu công ty hoàn chỉnh thủ tục liên quan trình sở chức năng cấp phép, sớm di dời trang trại, không làm ô nhiễm môi trường trong khu vực lâu nay.
Thái Khoa