“Thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:27, 04/08/2023

Theo tính toán, chi tiêu về đêm của du khách chiếm tới 70% chi tiêu suốt hành trình tour. Bởi ban ngày khách chủ yếu đi tham quan các điểm theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, hiện hầu hết tỉnh, thành phố phát triển du lịch ở Việt Nam đều chưa xem trọng và đầu tư đúng mức cho du lịch đêm (hoặc nếu có thì mới tự phát, hoặc nhỏ lẻ và manh mún). Vì thế khách quốc tế đến Việt Nam (và ngay cả khách trong nước) thường than phiền rằng “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”.

dsc_9417.jpg
GS.TS Trần Đình Thiên thông tin thời sự chuyên đề phát triển kinh tế đêm.

Phan Thiết - Mũi Né khách đến nhiều, nhưng cũng đang trong tình trạng “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”, thiếu chỗ cho khách tiêu tiền. Giao thông thuận lợi, Phan Thiết -Mũi Né đang thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng thời gian lưu trú, mức chi tiêu của khách còn rất thấp (chủ yếu lưu trú và ăn uống). Cùng với các điểm du lịch khác trên cả nước, Phan Thiết - Mũi Né của Bình Thuận cũng đang loay hoay tìm cách khai thác “mỏ vàng” du lịch đêm.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới ban hành Đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm. Theo đó thì 12 tỉnh, thành phố trọng điểm sẽ phát triển những mô hình du lịch đêm, tiến tới hình thành các tổ hợp giải trí đêm trong vài năm tới. Cụ thể mục tiêu là đến năm 2025, 12 điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Các địa phương này phải nghiên cứu, đề xuất dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, để tăng thời gian lưu trú trung bình của khách ít nhất thêm 1 đêm nữa. Đặc biệt phải hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại 3 trung tâm lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2030 hình thành các thương hiệu du lịch đêm của Việt Nam.

Đề án trên đã xác định 5 mô hình sản phẩm du lịch đêm, gồm: biểu diễn văn hóa-nghệ thuật; chăm sóc sức khỏe, thể thao, làm đẹp; mua sắm, giải trí; tham quan du lịch đêm; ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm…

Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đêm, nhất là thời tiết vùng biển về đêm rất mát mẻ, dễ chịu, không nóng, không lạnh. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Mũi Né thành Khu du lịch quốc gia có tầm cỡ quốc tế (tháng 12/2018). Nhiều tập đoàn đã đầu tư các dự án bất động sản, du lịch quy mô lớn vào Phan Thiết, như: tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí Mũi Né Summerland của Hưng Lộc Phát Corp, với phố đi bộ dài 2.000 mét, khu phố ẩm thực, giải trí, con đường lễ hội, tiệc tùng về đêm; hay tập đoàn Novaland với tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí Novaworld; hoặc tổ hợp nghỉ dưỡng - du lịch - thể thao biển Thanh Long Bay của Nam Group… Tiếc rằng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tiếp theo là khủng hoảng thị trường bất động sản trong nước, khiến các tổ hợp trên bị đình trệ, nếu không Phan Thiết về đêm sẽ sôi động hơn bây giờ.

  Nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách, Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Bình Thuận đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất. Theo đó căn cứ tình hình thực tế, mỗi địa phương có điều kiện có thể chọn 1 địa điểm (khu vực) để triển khai thí điểm mô hình phát triển kinh tế đêm. Ví dụ TP. Phan Thiết trước mắt tổ chức thí điểm mô hình kinh tế đêm tại khu vực 2 bên đường Nguyễn Đình Chiểu - Hàm Tiến, để đánh giá hiệu quả, nhân rộng…

Theo chúng tôi, kinh tế đêm (hay du lịch đêm) cũng có “mặt trái” như ảnh hưởng về an ninh trật tự, tiếng ồn, nên không phát triển du lịch đêm một cách đại trà, mà có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm. Khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu - Hàm Tiến -Phan Thiết có “khu phố Tây” Mũi Né, có “thủ đô resort”, có nhiều bar, vũ trường, karaoke, mát xa, spa, đáp ứng các yêu cầu: lưu trú, nghỉ dưỡng, thể thao, ăn uống, mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… của khách, đồng thời lại cách xa trung tâm thành phố, nên có thể hạn chế các tác động tiêu cực tới an ninh trật tự, tiếng ồn, nên có thể là lựa chọn thí điểm phát triển du lịch đêm đầu tiên của Bình Thuận để thu hút khách trong và ngoài nước.

Đường lối, chủ trương phát triển kinh tế đêm (hay du lịch đêm) đều đã có, nhưng để tạo ra các sản phẩm du lịch đêm thực sự hiệu quả, độc đáo, hấp dẫn du khách là không hề dễ dàng. Nếu du lịch đêm thực sự chiếm tới 70% doanh thu từ du lịch, thì Bình Thuận không thể chậm chân, tụt hậu trong cuộc đua phát triển du lịch đêm. Cần mạnh dạn kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bổ sung Bình Thuận vào danh sách các tỉnh, thành phố sẽ phát triển mô hình du lịch đêm, tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Đặng Dũng