Học cách “bạo ngôn” và “nói vo”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:34, 04/08/2023
Võ Hồng Phúc viết: “Tuổi già hay nhớ chuyện xưa. Nhớ về thời đạp xe đi đến nhà cô bác, chú dì ở rải rác khắp Hà Nội để mời giỗ, mời họp họ. Nhớ đến cái loa phố cách đây hơn 60 năm gọi trai 17 dậy tập thể dục lúc 5 giờ sáng mà vẫn còn sợ. Lại nghĩ về những lời nói về thành phố thông minh, khu đô thị thông minh, thời đại 4.0. Cứ như đang trong giấc mộng/ Xin để cho tôi vui trong giấc mộng của tuổi già”. Nhiều chuyện ông kể ra mới biết, những chuyện tiếp xúc với chính khách nước ngoài; chuyện hoạt động nghị trường. Một cuộc tọa đàm về hồi ký của ông diễn ra tại Hà Nội, ý kiến trao đổi khá lý thú về cuộc đời làm chính khách.
Võ Hồng Phúc sinh ra tại làng Tùng Ảnh (Đông Thái) Đức Thọ, Hà Tĩnh, vùng đất địa linh nhân kiệt. Đó cũng là quê hương của Tổng Bí thư Đảng Trần Phú; nơi chôn nhau cắt rốn của cụ Phan Đình Phùng, hai chí sĩ Phan Anh, Phan Mỹ và Hoàng Cao Khải… Dân Đông Thái ra Bắc lập nên làng Thái Hà (Đông Thái tại Hà Nội), cạnh Gò Đông Đa – mồ chôn quân xâm lược nhà Thanh. Võ Hồng Phúc thông minh từ nhỏ, sau tiểu học theo cha ra Hà Nội, trở thành học sinh trung học phổ thông xuất sắc, giỏi các môn khoa học tự nhiên, nhưng lại thuộc thơ đường như cháo chảy; tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội loại ưu.
Bằng lối “bạo ngôn” và “nói vo”, Võ Hồng Phúc bày tỏ về hồi ký: “Bạo ngôn” là dám nói, mạnh mồm, nói đúng, nói trúng, trách nhiệm – người nghe cứ phải giãy đành đạch (!). Có trí tuệ, am hiểu, có kiến thức thì mới có thể “bạo ngôn”. “Nói vo” là nói không cần văn bản, không thao thao bất tuyệt “nhai” bản viết sẵn. Tại diễn đàn đại hội, quan chức A, B được mời tham luận, các vị đạo mạo lên bục, giương mục kính đọc bản đã viết sẵn mà trong cặp tài liệu đã đóng thành tập. Đến lượt Võ Hồng Phúc lên bục, hai tay đút túi quần, ông “nói vo” ngắn gọn, súc tích một mạch, khúc chiết, lý luận và dẫn chứng thực tế đâu ra đấy. Dứt lời, đại hội vỗ tay rầm rập tán thưởng. Trên nghị trường (Võ Hồng Phúc có 10 năm đại biểu Quốc hội), hàng chục lần đăng đàn, không một lần nào đọc văn bản viết sẵn.
Cựu Bộ trưởng – chính khách kể nhiều chuyện dở mếu, dở khóc, dở cười (kiểu chuyện tiếu lâm mà có thật) về những ông cán bộ đọc văn bản do thư ký viết sẵn mà cứ như nô lệ của văn bản, không hiểu gì về nó, đọc sai chính tả, lẫn lộn thời gian, địa điểm sự kiện.
Ông Watanabe Michio là chính khách cao cấp của Nhật Bản, có công kết nối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Nhật, có quan hệ gần gũi với Võ Hồng Phúc. Họ quen thân như là bạn bè bởi họ có hai điểm giống nhau “bạo ngôn” và “nói vo”. Một lần, Watanabe Michio tới Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (sau này là Tổng Bí thư của Đảng) tiếp khách quý Nhật Bản, Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao cùng dự. Hồi ký của Võ Hồng Phúc: Đúng là hai người có sở trường “bạo ngôn” và “nói vo” gặp nhau. Họ nói chuyện cởi mở, thoải mái, chặt chẽ trên mọi bình diện kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội; sau cuộc gặp, công việc liên quan tới quan hệ hai nước cứ vậy mà triển khai…
Chuyện thú vị về “bạo ngôn” và “nói vo” rút ra từ hồi ký của Võ Hồng Phúc, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, Hồ Quang Minh; PGS TS Nguyễn Trọng Điều; cựu Thứ trưởng Trương Văn Đoan; nhà ngôn ngữ Nguyễn Đức Dũng “Không giỏi, không có kiến thức, không am hiểu, không uyên thâm, không có vốn sống, không có trách nhiệm sẽ không thể “bạo ngôn”, không “nói vo” được.
Út Mũi Né hoàn toàn không có ý ngợi ca một chiều, Võ Hồng Phúc là người toàn bích. Điều cần nói, làm cán bộ, làm chính khách kiểu biết “bạo ngôn”, “nói vo”, am tường công việc, chuyên sâu là rất cần. Cán bộ - chính khách đòi hỏi tự học, tự rèn, luôn tích lũy và trau dồi kiến thức thì mới làm chủ được công việc của chính mình. Thời đại kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số, “bạo ngôn” (có chính kiến) và “nói vo” thật đáng hoan nghênh, khích lệ…