Làm gì để ngăn chặn cháy, nổ tại nhà?
Pháp luật - Ngày đăng : 05:21, 07/08/2023
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCCCHCN), năm 2022 toàn quốc xảy ra hơn 2.100 vụ cháy làm 126 người chết, bị thương 97 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 656 tỷ đồng. Tại Bình Thuận, từ năm 2022 đến nay đã xảy ra trên 60 vụ cháy lớn nhỏ, trong đó cháy nhà dân chiếm 50% tổng số vụ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng (chưa kể vụ cháy tuabin điện gió ở Tuy Phong cuối tháng 7/2023). Đơn cử như vụ cháy xảy ra tại một căn nhà trên đường Đặng Văn Lãnh, thuộc xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc). Để ngăn chặn cháy lan, Phòng Cảnh sát PCCCCHCN (Công an tỉnh) phải điều 3 xe chữa cháy chuyên dụng cùng 18 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường mới dập được ngọn lửa. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người; nhờ phát hiện và chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện tại ổ cắm.
Được biết, toàn tỉnh có khoảng hơn 332.600 nhà ở hộ gia đình, khoảng 5.700 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Ở vùng đô thị, đa phần nhà ở thường được xây dựng theo dạng nhà ống liền kề nhau, không bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhiều nhà ống chỉ có 1 cửa ra vào, phía trên hoặc phía sau còn gia cố thêm các “chuồng cọp” bịt kín lối thoát hiểm. Mặt khác, nhiều hộ dân kết hợp nhà để ở với sản xuất, kinh doanh nhưng sắp xếp hàng hóa không gọn gàng, không có lối di chuyển, thoát nạn; để các chất dễ cháy không bảo đảm khoảng cách an toàn hoặc gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, gần khu vực thắp hương thờ cúng. Trong khi đó, việc bảo đảm an toàn trong sử dụng các thiết bị điện, gas trong quá trình đun nấu cũng chưa được chú trọng. Vì thế, nếu xảy ra sự cố cháy nổ sẽ dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân, có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Trên thực tế, các vụ cháy thời gian qua trên cả nước, trong đó có cả Bình Thuận thường xảy ra vào ban đêm, nhất là các ngày nghỉ, lễ. Thời gian này, nhu cầu các thiết bị điện trong nhân dân sẽ tăng cao, nhưng không ít người còn chủ quan khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nguy cơ cháy nổ lớn là vậy nhưng một bộ phận nhân dân chưa quan tâm trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có nhưng không biết sử dụng, sử dụng không thành thạo. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ, nếu không có phương tiện chữa cháy hoặc lúng túng, không biết cách xử lý cháy ngay từ ban đầu sẽ trở thành nguyên nhân khiến vụ cháy càng thêm trầm trọng.
Trước thực trạng trên, người dân cần thận trọng trong việc bố trí, sử dụng hàng hóa, nguồn lửa, nguồn nhiệt tại nhà. Quan tâm hơn đến công tác phòng cháy bằng cách trang bị cho gia đình mình ít nhất 1 bình chữa cháy và có ít nhất một người được tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Đối với nhà từ 2 tầng trở lên cần có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đồng thời, tích cực tham gia mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” tại các tổ, khu phố nơi cư trú. Đây là mô hình huy động tối đa lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy trong “thời điểm vàng” (5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra), giúp cho mỗi hộ gia đình, cộng đồng dân cư có sự chủ động, tương trợ lẫn nhau trong công tác phòng cháy cũng như khi có sự cố cháy nổ...