Tập huấn công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền
Xã hội - Ngày đăng : 10:15, 07/08/2023
Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung của Đề án Truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cung cấp thông tin, tình hình và hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng và nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin kịp thời, khách quan về các nỗ lực và thành tựu của các cấp chính quyền trong bảo đảm quyền con người ở địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, nhấn mạnh: Việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện từ khi lập nước, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay. Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu.
Sau 8 năm triển khai Chỉ thị số 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới, Ban Bí thư đã tiếp tục ra kết luận số 46-TB/TW ngày 6/2/2018 tiếp tục xác định cần “đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta”. Đây là hội nghị tập huấn đầu tiên triển khai trực tiếp Đề án 1079 tới các lực lượng làm công tác nhân quyền và Thông tin đối ngoại các tỉnh, thành.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng chia sẻ vấn đề đối ngoại về quyền con người đang có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Theo đó, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vững vàng vượt qua các khó khăn, thách thức phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Thuận lợi nữa là cùng với Đề án truyền thông về quyền con người của Chính phủ cũng như Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới ngày 15/6/2023. Đây là văn bản hết sức quan trọng, mang tính chỉ hướng cho công tác thông tin đối ngoại nói chung, thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng trong thời gian tới. Việt Nam cũng là đất nước có nhiều thành tựu trong bảo vệ và phát huy quyền con người được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện cụ thể qua việc Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn khó khăn, thách thức được Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông nêu rõ: Công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về Quyền con người đang bị đặt trước nhiều thách thức khi đời sống của người dân cả nước còn tiếp tục chịu nhiều khó khăn về giá tiêu dùng, về vấn đề việc làm, thu nhập...
Lợi dụng tình hình khó khăn, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước, phủ nhận các thành tựu và nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức thoái hóa, tham nhũng gây mất lòng tin, bất lợi về dư luận xã hội, điển hình qua việc xét xử vụ chuyến bay giải cứu đang diễn ra hay tình hình mất ổn định, an ninh, khủng bố xảy ra mới đây ở tỉnh Đăk Lăk.
Tất cả những yếu tố trên đã đặt ra cho công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, vừa thúc đẩy truyền thông quảng bá hình ảnh, đưa thông tin chân thực nhất về Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
“Đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta” - Kết luận số 46-TB/TW ngày 06/02/2018 Ban Bí thư đã xác định.