Vi phạm IUU còn phức tạp: Liệu có gỡ được “thẻ vàng” EC?
Kinh tế - Ngày đăng : 04:57, 09/08/2023
Vẫn còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài
Cũng như các tỉnh, thành có biển trong cả nước, Bình Thuận những năm qua đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến tại cảng và hoạt động trên biển cũng như rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, triển khai ráo riết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển. Tuy nhiên, vụ 1 tàu cá huyện Hàm Tân vi phạm vùng biển nước ngoài đầu năm 2023, cho thấy tình trạng này vẫn còn nguy cơ rất cao.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Giám sát dữ liệu tàu cá đã phát hiện, kêu gọi quay lại vùng biển Việt Nam 5 trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển; phát hành 4 thông báo, yêu cầu, nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng kiểm tra, khắc phục sự cố mất tín hiệu kết nối VMS trên biển. Tuy vậy, tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên biển còn xảy ra thường xuyên gây khó khăn trong việc kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Mới đây nhất, ở tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng phát hiện một tàu cá đang che giấu 10 thiết bị VMS. Qua làm việc, chủ tàu thừa nhận 7 thiết bị VMS đã được lắp cho tàu cá tỉnh Cà Mau và 3 thiết bị đã được lắp tàu cá tỉnh Kiên Giang. Các tàu này sau khi ra khơi đã tháo thiết bị VMS và thuê tàu câu mực này giữ với mức trả công từ 30 - 60 lít dầu/chiếc. Theo tổ nghiệp vụ xử lý vi phạm của Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Cà Mau, các tàu cá đã tháo thiết bị giám sát hành trình thuộc nhóm nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, tàu cá dưới 15m thuộc nhóm không phải lắp đặt VMS và chỉ được hoạt động ở vùng lộng, nhưng vi phạm ở vùng khơi cũng đã xảy ra. Ở Bình Thuận, tình trạng này cũng không ngoại lệ và ngành chức năng gặp khó khăn trong quản lý. Đối với những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đến nay cũng chưa có trường hợp tàu cá nào bị xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Thực hiện các biện pháp mạnh
Đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU khác vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đã xử phạt 133 trường hợp vi phạm/thu phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là: Tàu cá hoạt động không đăng ký (26 vụ); tàu cá 15 m trở lên không cập cảng chỉ định để bốc dỡ sản phẩm (23 vụ); tàng trữ, sử dụng công cụ, kích điện, chất độc để khai thác hải sản (21 vụ); không thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào cảng theo quy định (21 vụ); sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác (16 vụ)...
Qua đó, cho thấy một số ngư dân ý thức chấp hành pháp luật kém, vì lợi ích kinh tế của bản thân, gia đình bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã cố tình vi phạm pháp luật, khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, công tác quản lý tàu cá bộc lộ nhiều hạn chế, chậm khắc phục tình trạng tàu cá hoạt động không có giấy phép khai thác theo quy định (mặc dù Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo hàng tuần nhưng đến nay vẫn còn 1.023 tàu cá chưa có giấy phép khai thác). Việc quản lý tàu cá trong tỉnh thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ. Công tác trao đổi, phối hợp, xử lý thông tin tàu cá ở cả hai đầu nơi đi và nơi đến theo quy chế phối hợp giữa các tỉnh chưa tốt, thiếu cách thức, biện pháp có hiệu quả...
Về giải pháp trọng tâm đến tháng 10/2023, Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập bến theo đúng quy định; kiên quyết không để các tàu cá không đảm bảo về điều kiện hành nghề xuất bến đi khai thác. Tiếp tục điều tra, xử lý dứt điểm các trường hợp tàu cá của tỉnh vi phạm bị nước ngoài bắt giữ năm 2022 và năm 2023. Điều tra, truy tố hình sự các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép…
Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận chỉ còn 20 tàu cá từ 15 mét trở lên chưa lắp thiết bị VMS (1.941/1.961 tàu cá); trong đó có 14 tàu hư hỏng nằm bờ không còn khả năng hoạt động hoặc tàu cá chờ thi hành án, tranh chấp dân sự. Đối với 6 tàu cá chưa lắp đặt, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương làm việc với các chủ tàu yêu cầu buộc lắp đặt trong tháng 8 này, kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác.
Gỡ “thẻ vàng” thủy sản ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Nhiệm vụ này không phải để đối phó với đoàn thanh tra EC, mà là thay đổi nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững hơn. Do đó, không riêng gì mỗi ngư dân thay đổi nhận thức, mà các ngành chức năng phải cùng đồng hành, cũng như cần có những chính sách phù hợp, để giúp cho ngư dân yên tâm, khai thác nguồn lợi từ biển một cách hợp pháp, góp phần giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền chống khai thác IUU
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tổ chức được 7 lớp/526 ngư dân, cấp phát 1.816 tờ rơi, 2.500 móc khóa tuyên truyền cho ngư dân, trong đó tập trung đối tượng là các tàu cá khai thác xa bờ, các nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm IUU. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 208 buổi tuyên truyền/21.514 lượt ngư dân tham gia, yêu cầu ký cam kết không vi phạm khai thác IUU đối với 452 lượt chủ tàu, thuyền trưởng. Ngoài ra, các Ban quản lý cảng cá định kỳ (3 buổi/tuần) tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, cấp phát nhật ký khai thác thủy sản, tờ rơi tuyên truyền cho các chủ tàu, thuyền trưởng và lao động biển; đưa nhiều tin bài tuyên truyền trên Báo, Đài tỉnh và trên hệ thống loa phát thanh các địa phương.
Một số địa phương, đặc biệt là các phường, xã trên địa bàn thị xã La Gi có nhiều cách thức, biện pháp hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật về chống khai thác IUU như: Thành lập Tổ tuyên truyền, vận động đến từng nhà chủ tàu để phát tờ rơi, tuyên truyền không vi phạm IUU. Đồng thời, phối hợp các chức sắc tôn giáo, linh mục nhà thờ tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài; treo bảng pano trên các trục đường chính về nội dung chống khai thác IUU, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; phát thanh trên hệ thống truyền thanh không dây, phát thanh lưu động đến từng ngõ, ngách ở khu phố...
M.V