Xung quanh lùm xùm, mất an ninh trật tự tại Công ty Sơn Trang ở Đông Giang. Bài 1

Pháp luật - Ngày đăng : 05:29, 10/08/2023

Từ chuyện này tiếp nối chuyện khác, giải quyết rồi lại phát sinh nên tranh chấp cứ mãi lùm xùm ở Công ty TNHH Sơn Trang (gọi tắt Sơn Trang) dẫn đến gây mất an ninh trật tự tại xã vùng cao Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.

Bài 1: Lùm xùm Sơn Trang

Tòa án nhân dân cấp cao TP. Hồ Chí Minh tuyên buộc Sơn Trang cấp giấy chứng nhận một phần vốn góp cho ông Nguyễn Mạnh Hùng; hủy các quyết định, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 7; Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng đã hoàn tất việc thi hành… nhưng tranh chấp ở Sơn Trang vẫn chưa có hồi kết.

Lằng nhằng vốn góp

Sơn Trang là dự án cải tạo rừng có diện tích hơn 165 ha, chủ yếu trồng cao su ở thôn 1, xã Đông Giang do bà Nguyễn Thị Tám và các ông Trần Đàm Ngọc Quốc, T.V.Đ sáng lập vào tháng 7/2007. Công ty có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN) cấp lần đầu cùng năm, với vốn điều lệ trên giấy là 6 tỷ đồng, do ông Đ làm giám đốc, đại diện theo pháp luật. Đến tháng 5/2008, Sơn Trang vẫn chưa ai góp vốn đi vào hoạt động, riêng ông Quốc rút tên ra khỏi Sơn Trang thì ông N.T vào thay thế.

20230712_132847.jpg
Vườn cao su của Sơn Trang, nơi xảy ra tranh chấp.

Hoạt động đến năm 2013, các thành viên gồm bà Tám, ông Đ và ông T thống nhất nâng vốn điều lệ lên 15 tỷ đồng (mỗi thành viên 5 tỷ đồng). Bà Tám sau đó chuyển nhượng lại cho chồng là ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Hùng làm giám đốc, đại diện Sơn Trang, với giấy CNĐKDN thay đổi lần 4. Năm 2015 do khó khăn về tài chính, Sơn Trang lại có sự thay đổi thành viên. Cả hội đồng họp bàn đi đến thống nhất nhờ ông Nguyễn Mạnh Đông đứng tên hộ phần góp vốn và chức danh giám đốc của ông Hùng để vay vốn ngân hàng giúp Sơn Trang. Theo thỏa thuận, đến thời gian thích hợp thì ông Đông giao lại toàn bộ vốn góp, kể cả chức danh giám đốc cho ông Hùng. Trước khi chuyển giao cho ông Đông, cả hội đồng họp và thống nhất thông qua số liệu quyết toán vốn đầu tư dự án của Sơn Trang giai đoạn từ tháng 8/2008 đến 9/2015 với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, ông Đ góp hơn 6 tỷ đồng, ông Hùng đã góp hơn 11 tỷ đồng, ông T không có vốn góp.

20230712_132653.jpg

Đến năm 2018, nhiều biến động xảy ra dẫn đến tranh chấp. Mấu chốt ở chỗ, thỏa thuận trên lại diễn biến theo chiều hướng khác, ông Đông không vay được vốn ngân hàng thì giải quyết bằng cách, ông Đông chuyển lại vốn cho ông Hùng. Sau đó các thành viên lại chuyển nhượng một phần vốn của mình cho ông Đông và ông Trương Văn Quý. Cuộc chuyển vốn lằng nhằng, ông Hùng không có tên trong giấy CNĐKDN. Lúc này ông Đông vẫn với vai trò là giám đốc đại diện theo pháp luật của Sơn Trang.

Nội bộ bắt đầu lủng củng khi vốn góp không rõ ràng, hơn nữa lại có sự xuất hiện giấy CNĐKDN thay đổi lần 7 ghi rõ ông T làm giám đốc, đại diện theo pháp luật. Ông Hùng làm đơn kiện Sơn Trang về việc xác định lại vốn góp và chuyển quyền quản lý công ty; ông Đông cũng kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh (KH&ĐT) liên quan quyết định hành chính trong lĩnh vực cấp giấy CNĐKDN thay đổi lần 7.

Theo các bản án của Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM, cả hai ông đều thắng kiện, với ông Hùng được công nhận có một phần vốn góp trong Sơn Trang hơn 8 tỷ đồng tương ứng với tỷ tệ hơn 55% vốn điều lệ của Sơn Trang (11 tỷ đồng, ông đã chuyển nhượng cho ông Đông và ông Quý còn lại hơn 8 tỷ đồng). Buộc Sơn Trang cấp giấy chứng nhận phần góp vốn cho ông Hùng theo quy định pháp luật. Tòa cũng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đông, tuyên hủy các quyết định có liên quan của UBND tỉnh, trong đó có giấy CNĐKDN thay đổi lần 7.

anh-1.jpg
Ông Đông tố ông T, ông Đ trộm mủ cao su 

Đến những chuyện khác

Những tưởng sự việc đến đây dừng, Sơn Trang tự hòa giải, dàn xếp nội bộ ổn thỏa để phát triển công ty, nhưng điều đó không diễn ra. Ông Hùng làm đơn tố cáo cho rằng nhóm của các ông Đ và T, người bị thua kiện cấu kết với Sở KH&ĐT làm giả mạo giấy chứng nhận; giả chức danh; cạo trộm mủ cao su… Đặc biệt là việc cấp giấy CNĐKDN thay đổi lần thứ 8, không thay đổi nội dung mới mà lại để nguyên nội dung cũ không có tên ông. Sơn Trang đã làm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT vì ông T không có vốn góp, đồng nghĩa không còn trong Sơn Trang, nhưng đến nay chưa cấp giấy. Ông Đông – Giám đốc Sơn Trang cho biết: Sau phán quyết của Tòa án và quyết định của Cục Thi hành án dân sự tỉnh yêu cầu Sơn Trang cấp giấy chứng nhận một phần vốn góp cho ông Hùng, chúng tôi đã cấp. Riêng việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi đã xác định ông Hùng có vốn góp, chúng tôi đã thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT, nhưng họ vẫn chưa cấp thay đổi…

Lý giải vấn đề trên, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Ngọc Tiến, người mong muốn giải quyết dứt điểm tình hình ở Sơn Trang để không ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh, cho biết: Tất cả văn bản, khiếu nại liên quan đến Sơn Trang, chúng tôi đã nhận và rà soát, đối chiếu với các quy định, lấy ý kiến, trả lời từ các bộ, ngành có liên quan. Trong đó có vấn đề cấp giấy CNĐKDN thay đổi lần 8 không có tên ông Hùng và việc chưa thay đổi lại giấy CNĐKDN khi đã xác định được ông Hùng có vốn góp trong Sơn Trang. Đối với giấy CNĐKDN thay đổi lần 8 ông giải thích: Sau khi tòa án tuyên hủy giấy CNĐKDN thay đổi lần 7 thì sở có trách nhiệm cấp lại giấy CNĐKDN cho doanh nghiệp theo hồ sơ hợp lệ của lần cấp gần nhất trước đó, quy định tại Điều 69 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, sở đã cấp giấy CNĐKDN thay đổi lần 8 cho Sơn Trang trên cơ sở nội dung của lần cấp thứ 6. Còn việc chưa cấp lại giấy CNĐKDN khi đã xác định được ông Hùng có vốn góp trong Sơn Trang, là do sở nhận thấy phần còn lại trong tổng số vốn góp sau khi trừ phần của ông Hùng hơn 8 tỷ đồng, chưa rõ của ai với ai nên chưa thể cấp. Sở chỉ cấp khi Sơn Trang xác định rõ phần vốn còn lại của ai, tránh tình trạng sai sót không đáng có. Hơn nữa ông T đang có đơn kiện gửi tòa yêu cầu ông Hùng, ông Đ thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết công nhận ông có góp vốn vào Sơn Trang và cấp giấy chứng nhận góp vốn cho ông.

Lùm xùm ở Sơn Trang không chỉ nội bộ mà còn ảnh hưởng đến mất an ninh trật tự của xã vùng cao Đông Giang, vốn yên ả và thuần đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số họ có người đang làm thuê cho Sơn Trang và đó cũng là một trong những nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình của các hộ nơi đây.

Sở KH&ĐT cho biết: Ngoại trừ phần vốn góp của ông Hùng, phần vốn còn lại chưa có sự thống nhất đồng thuận về quyền sở hữu… Phòng Đăng ký kinh doanh chưa có cơ sở xác định tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp nên chưa thể cấp giấy CNĐKDN cho Sơn Trang.

Ninh Chinh