Tái diễn xảy ra sạt lở, hư hại kè biển
Đời sống - Ngày đăng : 05:36, 10/08/2023
Kè bảo vệ bờ biển bị hư hại
Theo đó tại Hàm Thuận Nam, do cửa xả cống thoát nước của công trình đường ĐT 719 và ĐT719B đặt ngay miệng cống thoát nước của kè, cộng với nước biển dâng cao xâm thực vào bên trong kéo cát ra. Hậu quả, gây ra hiện tượng xói mòn và sạt lở bờ kè thôn Kê Gà. Hiện nay trống rỗng phần bên trong với chiều dài 3 m, chiều rộng 4 m, kè đã bị sập đổ với diện tích bị sụp khoảng 12 m2. Thực tế kè đang có nguy cơ tiếp tục sập đổ do bên trong tường kè đã bị mất đất, cát chân, rỗng, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các hộ dân. Tại TP. Phan Thiết, khu vực khu phố 1, phường Hàm Tiến, ảnh hưởng bão số 1, số 2 gây sạt lở, xâm thực với chiều dài hơn 200 m, sâu vào đất liền từ 5 - 7 m, có nơi hơn 10 m, chiều cao khu vực sạt lở hơn 4 m, gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng.
Riêng tại huyện Tuy Phong, theo ông Nguyễn Văn Thìn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phan Rí Cửa cho biết, lúc 8 giờ ngày 3/8 triều cường dâng cao gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực dọc bờ biển làng Tân Phú, thuộc khu phố Phú Thủy. Do đó, gây sạt lở một đoạn bờ cát so với hiện trạng ban đầu với chiều dài 50 m, chiều rộng lấn vào khu vực dân cư một đoạn 2 m. Vị trí mép nước gần bờ so với nhà dân khoảng 3 m, làm gãy 15 m đường bê tông dân sinh. Ngoài ra, làm hư hỏng một đoạn bờ bao chắn cát dài 30 m được người dân, cùng lực lượng chức năng thị trấn gia cố tạm trong thời gian trước đây, chiều dài đoạn hư hỏng 25 m. Hiện nay các hộ dân đang neo chống, giữ tạm các bao tải cát còn lại. Hiện trạng sạt lở bờ biển do xâm thực biển tại khu vực dân cư đang sinh sống thuộc làng Tân Phú, khu phố Phú Thủy trong các năm 2022, 2023 ngày càng gia tăng, đặc biệt tại vị trí 150 m bờ biển đã gia cố sạt lở có mức độ nguy hiểm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, nguy cơ hư hỏng tuyến đường giao thông bằng bê tông đang là lối đi chung của ngư dân rất lớn.
Cần xử lý cấp bách
Liên quan tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại các địa phương ven biển thời gian qua, ông Nguyễn Hùng Tân – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, việc triển khai nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư xây dựng công trình nhằm kịp thời xử lý sạt lở hết sức cấp bách và cần thiết.
Qua đó nhằm đảm bảo an toàn lâu dài tính mạng cho người, tài sản của nhân dân, nhất là người dân xóm Tân Phú. Đồng thời cho biết, hiện các địa phương bị sạt lở đã vận động các hộ dân đang sinh sống gần khu vực sạt lở sơ tán, di dời đến nơi ở tạm, an toàn trong thời gian triều cường đang dâng cao. Mặt khác, huy động các lực lượng gia cố bao cát làm kè chắn tạm tại các khu vực gãy đổ, hư hỏng, cảnh báo khu vực nguy hiểm cho người dân. Song song, kiến nghị đến các cơ quan chức năng sớm có phương án triển khai thực thi việc thi công làm kè chắn sóng biển tại khu vực dân cư sinh sống thuộc xóm Tân Phú, khu phố Phú Thủy để người dân yên tâm sinh sống. Tại Hàm Thuận Nam, chính quyền địa phương đã rào chắn, căng dây cảnh báo nguy hiểm khu vực bị sụp đổ để người dân biết, không đi vào, phòng tránh nguy hiểm. Riêng tại TP. Phan Thiết, hiện khu du lịch Biển Xanh đang huy động nhân viên, dùng bao cát đắp, máy xúc để bờ, trải vải bạt và tháo dỡ phần mái, sàn khu dịch vụ ăn uống do bị mất đất, lở chân cột. Địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở, hạn chế mất đất, thiệt hại tài sản và mất bãi tắm ven biển. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, việc đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch là nhiệm vụ cấp bách và đã được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện. Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang lập hồ sơ hướng dẫn thiết kế kè tạm bằng ống cát Geotube tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né.