Chuyện xung quanh hạt gạo “nóng”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:46, 11/08/2023

Để tận dụng thời cơ này, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo trồng thêm 50.000 ha lúa vụ thu đông. Bình Thuận không có vụ thu đông và theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, là không thể tăng diện tích lúa, do trên địa bàn tỉnh không còn đất phù hợp cho trồng lúa, trừ những diện tích trước trồng lúa sau chuyển trồng thanh long không hiệu quả.

1. Thời điểm này, ở các nơi trong tỉnh đang thu hoạch lúa hè thu và bà con nông dân đều mừng vì lúa được giá rất cao. Tùy theo mỗi loại giống lúa, có giá khác nhau nhưng với các loại lúa có chất lượng cao, được các doanh nghiệp ký kết, thương lái mua gom cho xuất khẩu thì đạt giá cao nhất. Như trên những cánh đồng ở Bắc Bình, trong khi lúa ML 48 có giá dao động ở 7.100 – 7.300 đồng/kg tươi và 8.200 - 8.300 đồng/kg khô thì giống Đài Thơm 8 được mua với giá 7.800 đồng/kg tươi, còn lúa khô ở khoảng 8.500 – 8.600 đồng/kg. Còn trên các cánh đồng của huyện Đức Linh, giống lúa OM 5451 cho hạt gạo tốt đáp ứng xuất khẩu cũng được bán với giá cao hơn các giống lúa hạt tròn hơn 200 đồng/kg, tức 6.700 đồng/kg tại ruộng. Riêng Tánh Linh, nơi vừa bị cơn lũ đi qua khiến cánh đồng lúa bị ảnh hưởng 30% năng suất thì giá lúa cũng có biến động hơn. Với giống lúa OM các loại đều có giá cao hơn các giống lúa khác khoảng 300 đồng/kg, đang ở 7.000 đồng/kg lúa tươi, tăng hơn cùng thời điểm năm ngoái 500 đồng/kg.

thu-ho-n.-lan-1-.jpg
Thu hoạch lúa ở Tánh Linh. Ảnh: N.Lân

Nếu giá lúa tăng cao nhất tính từ nhiều năm qua thì giá gạo cũng tăng mạnh, dù trên thị trường không có dấu hiệu bị khan hiếm hàng, vì đầu tháng 8/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo. Tuy nhiên, giá gạo các loại tại thị trường TP.Phan Thiết đã tăng khoảng 15- 20% so với nửa tháng trước. Có nhiều lý do nhưng quyết định tất cả như người bán cho biết là do gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tăng từng ngày.

Phải đến thời điểm này, khi câu chuyện xuất khẩu gạo của Việt Nam thuận lợi hết mức thì đến từng nhà, vì ai cũng ít nhiều ăn cơm hàng ngày nên đều biết nguyên nhân là nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị mất. Thêm nữa, nhiều quốc gia đang tăng mua gạo không chỉ để ăn mà còn dự trữ do lo sợ El Nino sẽ gây thiếu hụt nguồn cung lúa gạo. Trong khi đó, Ấn Độ và nhiều nước đồng loạt có động thái cấm xuất khẩu gạo đã tạo ra thời cơ cho gạo Việt Nam. Để tận dụng thời cơ này, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo trồng thêm 50.000 ha lúa vụ thu đông. Bình Thuận không có vụ thu đông và theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, là không thể tăng diện tích lúa, do trên địa bàn tỉnh không còn đất phù hợp cho trồng lúa, trừ những diện tích trước trồng lúa sau chuyển trồng thanh long không hiệu quả.

nh-n.-lan-2-.jpg
Nhổ bỏ thanh long. Ảnh: N.Lân

2. Thực tế cho thấy giá lúa cao đã đem lại những hiệu quả tích cực trong xây dựng, mở rộng sản xuất tiến bộ ở các huyện trọng điểm lúa của tỉnh. Thấy rất rõ là đã tác động củng cố và mở rộng thêm những mối liên kết sản xuất lúa giữa các doanh nghiệp, HTX với nông dân. Những mối liên kết này vốn lâu nay đã trầy trật chưa theo ước muốn, vì những trở ngại trong cách sản xuất mới với cũ, nhận thức cũ và mới trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng có vẻ quyết định tất cả là giá lúa các loại cho gạo chất lượng tốt không có gì khác biệt nhiều. Và bây giờ, hạt gạo xuất khẩu đã chứng minh sự khác biệt đó qua giá. Không chỉ thế, còn là động lực giúp người dân mạnh dạn thay đổi giống lúa chất lượng, đồng thời đó tiếp cận luôn kỹ thuật sản xuất khoa học, giúp đất không bị bào mòn chất dinh dưỡng, sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận tốt hơn.

Hơn thế nữa, tại một số vùng ở các huyện như Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, những nơi mà nhiều năm trước xa, người dân cũng vì sức hút hấp dẫn của giá thanh long đã từ bỏ trồng lúa, lén trồng thanh long, bất chấp chính quyền ngăn cản, bây giờ đã quay lại trồng lúa. Cuộc chuyển đổi từ lúa sang thanh long ở một số vùng này từng mang nhiều ước vọng đổi thay trong thu nhập, tuy nhiên với chân ruộng thấp cùng nhiều sự không phù hợp khác đã khiến cây thanh long chỉ phát triển tốt trong mấy năm đầu khi cây còn khỏe. Tuy nhiên, lúc thuận lợi, sản phẩm trái cũng không nổi bật bằng như ở những vùng đất cát trên cao, có đầy đủ nước nên người trồng cũng không bán được giá để mà tích lũy. Lúc trở ngại, vườn không chỉ bùng sâu bệnh nhiều hơn, cây yếu hơn lại bồi thêm nhiều đợt giá thấp liên tiếp khiến người dân không còn vốn, còn sức để nuôi dưỡng cây. Đỉnh điểm diễn ra là từ cuối năm 2022 sang đầu năm 2023, có nhiều vùng thanh long ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình bị bỏ hoang.

thu-hon.-lan-1-.jpg
Phơi lúa. Ảnh: N.Lân

Trước khi lúa gạo tăng giá, người dân có vườn thanh long như này nhổ trụ để trồng lúa, vì chi phí thấp và cũng chưa biết trồng gì khác. Nhưng thời điểm này, với giá lúa tăng cao, người dân đã nhổ trụ thanh long nhiều hơn, chuẩn bị xuống giống vụ mùa. Cuộc xoay vòng mất khoảng chục năm đó, suy cho cùng là canh tác cây trồng chạy theo giá đã phơi bày sự vất vả của nghề làm nông nhưng cũng thấy rõ nhất tác hại của việc trồng cây trên chân đất không phù hợp. Điều đáng chú ý là theo quy luật thị trường, không có sản phẩm nào có giá cao mãi và cũng không có sản phẩm nào có giá thấp mãi. Ví dụ như sản phẩm lúa của hiện tại. Còn với thanh long, ngày 10/8, có giá 12.000 đồng/kg mua xô tại vườn, còn loại 1 là 15.000 đồng/kg tại vựa. Với mức giá này, người trồng thanh long có lời nhưng trước đó cũng bao bận giá thấp, không đủ bù cho chi phí. Nhưng với sự chấp nhận giá lên xuống là hiển nhiên, việc được mất theo mùa vụ là bình thường, cái chính mà từ thực tế rút ra là phải chọn cây hợp với chân đất, người nông dân phải thành thục kỹ thuật canh tác theo hướng tốt cho sản phẩm chất lượng, theo chuẩn thị trường cần thì mới có ngày đón giá cao.

Hảo Chi