Tuy Phong được mùa ghẹ

Kinh tế - Ngày đăng : 05:12, 14/08/2023

Hơn 10 ngày nay, ngư dân ở xã Chí Công, Phan Rí Cửa rất phấn khởi khi trúng đậm mùa ghẹ…

Khoảng 6 – 7 giờ sáng, có mặt tại Bến Đò (thị trấn Phan Rí Cửa), không khí nơi đây rất nhộn nhịp khi các ghe thúng đánh bắt trở về sau 1 đêm. Dọc khu vực bến đò, rất đông phụ nữ là thương lái đang đợi sẵn để phụ cân, phân loại hải sản. Những giỏ ghẹ tươi rói từ từ được đưa lên bờ xen lẫn vào đó rất nhiều loại ốc, cá… Không giấu được niềm vui, anh Nguyễn Minh (khu phố Hải Tân) chia sẻ: “Những ngày qua ghẹ nhiều lắm, mỗi thúng đi kiếm vài triệu đồng/ngày. Sáng ghe vô, tôi bán cho thương lái, khoảng 2 giờ chiều tôi đi biển lại. Năm nay ghẹ nhiều hơn so với mọi năm, nhưng giá hơi thấp…”. Nói về số lượng ghẹ đánh bắt được, ngư dân Lê Ngọc Thành - người có hơn 10 năm trong nghề ở thị trấn Phan Rí Cửa không giấu giếm: “Mấy ngày qua, ghe thuyền nào cũng trúng ghẹ. Mùa này ngư dân đi rập, còn tháng bấc sẽ đi lưới nhiều hơn. Nếu hôm nào trúng thì có ghe thu hoạch được 20 - 40 kg/thuyền, thúng; hôm ít thì chục kg. Hiếm có trường hợp ra khơi trở về mà không đánh bắt được ghẹ. Do đó, ngư dân rất phấn khởi”.

z4594970946858_e14c4654c4ae38a423072cf261182855.jpg

Tại khu vực chợ Chí Công, không khí càng rộn ràng hơn khi hàng chục người đang tập trung phân loại ghẹ sau khi thu mua từ các thuyền thúng trở về. Theo bà Dung – một chủ thu mua địa phương cho biết: “Mỗi ngày tôi thu vào vài tạ, có khi lên cả tấn ghẹ đủ loại như ghẹ nhàn, so, mặt trăng, ghẹ đỏ... Ghẹ loại 1 tôi bỏ cho các nhà hàng, quán ăn, ghẹ loại 2 – 3 thì bỏ mối bán các chợ trong tỉnh. Ghẹ nhỏ hơn nữa thì bỏ cho các công ty sơ chế lấy thịt làm chà bông… Giá ghẹ dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/kg tùy loại lớn nhỏ. So với mọi năm, sản lượng ghẹ năm nay khá nhiều, chủ yếu là ghẹ nhàn (còn gọi ghẹ xanh), ghẹ đỏ chắc thịt, phân phối nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Giá có rẻ hơn những năm trước nhưng hầu hết các thúng chuyên đi rập ghẹ đều kiếm được trung bình vài triệu đồng/ngày”. Để ghẹ bán được giá, khi vừa kéo rập lên, ngư dân phải cột càng bằng dây thun tránh con ghẹ bị gãy càng, gãy chân, giá bán không được cao. Sau 1- 2 chuyến, ngư dân phải vệ sinh rập cho sạch bùn, vá lại những chỗ rách để chuyến biển sau thu hoạch đạt hiệu quả hơn.

Hầu hết các ghe, thúng đi rập ghẹ những ngày qua đều trúng, nên rất nhiều ghe thuyền chuyển sang nghề này đánh bắt, thu nhập cũng kha khá. Mỗi rập dài trên chục mét nhưng có thể xếp lại gọn gàng, nên mới gọi là rập xếp. Đầu rập là cửa cho các loài hải sản chui vào, phần đuôi là chỗ cá, ốc, ghẹ bị mắc lại ở đây. Rập thường đặt ở vùng rạn đá ngầm, được thả xuống sát đáy biển sâu từ 8 - 10 m, chỉ qua một đêm rập được kéo lên qua hệ thống ròng rọc, là có thể thu hoạch nhiều loại hải sản khác nhau ở đầu cuối bị bịt kín. Tuy nhiên, theo những ngư dân kỳ cựu, nghề rập xếp này mang tính hủy hoại môi trường cao, không chừa bất cứ loài hải sản lớn nhỏ nào vì mắt lưới nhỏ, tầng nước thấp.

Theo những ngư dân lâu năm ở vùng biển Tuy Phong, mùa ghẹ lưới thường bắt đầu từ tháng 11 AL đến tháng 2 AL năm sau, nghĩa là mùa bấc nước đục, sóng to, ghẹ sẽ mắc lưới nhiều hơn. Theo giải thích của ngư dân nơi đây, có lẽ đợt mưa bão vừa qua làm ảnh hưởng môi trường sống của loại ghẹ, nên những ngày qua, chỉ cần đi cách bờ vài hải lý là có thể “săn” được ghẹ. Tuy không được giá như những năm trước, nhưng ghẹ vẫn là loại hải sản đem lại thu nhập khá cho nhiều ngư dân làm nghề ở địa phương. Tranh thủ sản lượng ghẹ vẫn còn nhiều, nên hầu hết ngư dân khai thác gần bờ đều tranh thủ ra khơi, với hy vọng thu về sản lượng nhiều, bán được giá, đủ chi phí lo cho con cái mua sắm đồ dùng học tập khi năm học mới đang đến gần.

Minh Vân