Nhiều dự án khu dân cư kéo dài hơn 20 năm, do đâu?
Bạn đọc - Ngày đăng : 05:30, 16/08/2023
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Bình Thuận là chủ đầu tư của 3 dự án trên địa bàn thành phố Phan Thiết: Khu dân cư (KDC) Phú Tài - Phú Trinh (giai đoạn 2), KCD Tam Biên và KDC Kênh Bàu. Các dự án này đến nay chưa hoàn thành, do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tình trạng lấn, chiếm đất và xây dựng trái phép của các hộ dân. Bên cạnh đó, KDC đại lộ Hùng Vương giai đoạn 1 do Công ty Vật liệu Xây dựng & Khoáng sản Bình Thuận là chủ đầu tư, đến nay cũng chưa hoàn thành với những lý do như trên. Hay dự án KDC Nghĩa Hòa 2 tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân do Công ty CP Tư vấn Thiết kế xây dựng - dịch vụ - thương mại Toàn Kiến Phát là chủ đầu tư đến nay cũng “án binh bất động” do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngày 10/7/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Hàm Tân làm việc với nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu tư có báo cáo giải trình bổ sung, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Ngoài ra, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh là chủ đầu tư của 3 dự án, nhưng hầu hết đều vướng, dẫn đến kéo dài nhiều năm. Dự án Mở rộng KDC Phú Tài - Phú Trinh (giai đoạn 2), hiện nay chưa thống nhất ranh giới quy hoạch dự án trên, nên chưa triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Riêng KDC Hùng Vương II, giai đoạn 2A, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn vướng 29 hộ, trong đó 11 hộ/4.988,7 m2 đang khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh, 18 hộ/2.260,6 m2 chuyển nhượng đất và xây dựng đề nghị được xem xét giải quyết nhu cầu đất ở cho con. KDC Hùng Vương II, giai đoạn 2B (khu vực 4), bị vướng mắc do đa số các hộ dân (thuộc 2 phường Thanh Hải và Phú Thủy) trong vùng quy hoạch không đồng thuận với nhiệm vụ quy hoạch.
Còn 3 dự án thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là chủ đầu tư cũng rơi vào trường hợp tương tự. Dự án KDC Rừng Sến, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh còn 12 hộ dân chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND huyện Tánh Linh đang xem xét giải quyết để các hộ di dời, bàn giao mặt bằng thi công hoàn tất công trình. Ngoài ra, khu tái định cư Hồ Tôm, xã Tân Phước, thị xã La Gi cũng còn 7 hộ dân/2,64 ha chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng thi công giai đoạn 2 của dự án. Đặc biệt, KDC A3, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, chỉ còn 1 hộ Từ Thị Ngọc Chung/8.524,5 m2 (nằm giữa dự án) không đồng ý nhận tiền đền bù, cũng phải bị neo lại mấy năm nay.
Đối với các dự án còn lại, như: KDC thu nhập thấp tại Gò Thanh Minh, phường Phước Hội (UBND thị xã La Gi làm chủ đầu tư); Khu tái định cư khu công nghiệp Sơn Mỹ, xã Sơn Mỹ và KDC dịch vụ công nghiệp Tân Đức (UBND huyện Hàm Tân làm chủ đầu tư); KDC nông thôn xã Mê Pu (UBND huyện Đức Linh làm chủ đầu tư); KDC Hồng Chính 1 và KDC Hồng Chính 2, xã Hòa Thắng và điểm dân cư nông thôn Bình Sơn, xã Bình Tân (UBND huyện Bắc Bình làm chủ đầu tư) cũng chưa có dự án nào hoàn thành.
Qua rà soát cho thấy, hầu hết các dự án này chậm triển khai, kéo dài nhiều năm, có dự án kéo dài đến 20 năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân chính đều do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đền bù thấp dẫn đến người dân không chịu nhận tiền đền bù, công tác xác định giá đất chậm; tình trạng lấn, chiếm đất và xây dựng trái phép diễn biến phức tạp… Hiện tại, các dự án nêu trên vẫn còn hiệu lực.
Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát cụ thể các vướng mắc của từng dự án để tập trung tháo gỡ, sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành dự án. Trường hợp dự án chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh có chủ trương điều chỉnh hoặc thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tích cực rà soát, tổng hợp để sớm tham mưu UBND tỉnh xem xét, kịp thời chỉ đạo.