Hàm Thuận Bắc: Đa dạng sản phẩm từ thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 05:41, 16/08/2023
Nguyên nhân là tại địa phương, phần lớn sản lượng thanh long thu hoạch trên địa bàn huyện đều hướng đến xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên những năm gần đây, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tình hình tiêu thụ trái thanh long tươi gặp nhiều khó khăn khi có thời gian dài Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”, tạm đóng các cửa khẩu biên giới giáp nước ta. Vì thế đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó có trái thanh long khiến giá bán giảm sâu làm cho nhiều nhà vườn, nông dân bị thua lỗ, không sản xuất được phải chặt bỏ với diện tích khá lớn và chuyển sang cây trồng khác.
Trước tình trạng giá bán bấp bênh và thị trường tiêu thụ khó khăn, một số hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hàm Thuận Bắc tìm tòi nghiên cứu và đã chế biến đa dạng sản phẩm từ trái thanh long tươi. Đơn cử tại thị trấn Ma Lâm có Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ tham gia chế biến rượu thanh long các loại, nước cốt thanh long, kem thanh long, kẹo thanh long, trà thanh long, mứt thanh long, bánh quy thanh long, hoa thanh long sấy, thanh long sấy khô và sấy dẻo. Với Cơ sở thanh long Bảo Long tại thị trấn Phú Long, ngoài sản phẩm rượu và nước ép thanh long còn chế biến si rô thanh long, mạch nha thanh long, kombucha thanh long. Riêng Hợp tác xã thanh long Hàm Đức tập trung chế biến rượu vang thanh long trắng, rượu vang thanh long đỏ…
Thời gian qua, nhiều đơn vị liên quan của huyện và UBND các xã - thị trấn cũng quan tâm, giữ mối liên hệ chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ phát triển thêm những sản phẩm mới từ trái thanh long. Trong đó, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ, Hợp tác xã thanh long Hàm Đức và Cơ sở thanh long Bảo Long đã có nhiều sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh… Được biết đến nay, Hàm Thuận Bắc có hơn 10 sản phẩm được công nhận OCOP được xếp hạng từ 3 - 4 sao, chủ yếu là các sản phẩm được chế biến sâu từ trái thanh long tươi.
Trong tháng 8 này, UBND huyện cũng vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Hàm Thuận Bắc. Theo đó trong năm 2023, địa phương đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 6 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, đồng thời nâng hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng cũng như đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận theo đúng quy định. Cùng với đó sẽ tổ chức cho các chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu… Theo danh mục cụ thể, năm nay toàn huyện có 15 sản phẩm lần đầu tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, còn đánh giá, phân hạng lại có 4 sản phẩm. Trong các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng lần đầu thì có đến 9/15 sản phẩm được chế biến từ thanh long: Nước cốt thanh long trắng, nước cốt thanh long đỏ, rượu vang thanh long, rượu thanh long men’s, trà hoa thanh long, hoa thanh long sấy, mứt thanh long, thanh long sấy dẻo trắng, thanh long sấy dẻo đỏ.
Ngoài ra trên địa bàn Hàm Thuận Bắc hiện cũng có 2 mô hình tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm vườn thanh long: Mô hình trồng thanh long giống mới vỏ vàng của Hợp tác xã Trung Bình (xã Hàm Đức) với diện tích 100 ha và mô hình trồng giống thanh long tổ yến Ecuado với diện tích 3 ha (xã Hồng Liêm). Bên cạnh đó, địa phương còn xúc tiến phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai dự án “Hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận”. Đây được xem là cơ hội để phát triển du lịch trải nghiệm vườn thanh long, kết hợp tham quan và thưởng thức sản phẩm chế biến từ trái thanh long tươi của một số hợp tác xã trên địa bàn Hàm Thuận Bắc…