Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên từng ngày
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 06:07, 17/08/2023
Biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất
Đến đầu tháng 8/2023, vùng ĐBDTTS toàn tỉnh có diện tích cây trồng ước gần 50.000 ha, trong đó diện tích cây trồng hàng năm trên 39.000 ha, bao gồm cây lúa 25.600 ha, bắp lai trên 6.500 ha, các loại cây trồng khác trên 6.700 ha. Đặc biệt nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng đến hộ ĐBDTTS cộng với triển khai công tác khuyến nông “cầm tay chỉ việc” từ cách làm đến quy trình chăm sóc cây trồng nên diện tích cây lâu năm có giá trị kinh tế cao được người ĐBDTTS ưa chuộng và trồng tăng lên từng năm. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ĐBDTTS có trên 11.000 ha cây lâu năm. Các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế thị trường được ĐBDTTS bố trí hợp lý theo từng vùng đất, khí hậu như cây nho ở Phú Lạc (Tuy Phong), bưởi da xanh, cao su, điều ghép cao sản, mít Changai, dừa… được bố trí trải đều từ Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đến Tánh Linh, Đức Linh.
ĐBDTTS đã áp dụng khá tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Từ những mô hình thí điểm, đồng bào thấy hiệu quả đã áp dụng đại trà như cây bắp lai ở vùng ven sông La Ngà từ Tánh Linh lên Đức Linh năng suất luôn đạt cao 60 tạ/ha, cá biệt có nơi hộ đồng bào còn làm đạt từ 78 – 80 tạ/ha. Hay như làm lúa chất lượng cao ở vùng Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh người đồng bào làm đạt chất lượng tốt bán theo giá thị trường... Với cây thanh long nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) vượt qua nghèo khó vươn lên hộ khá. Một số nơi người đồng bào đầu tư trồng sầu riêng như vùng từ Đông Giang, Đông Tiến đến La Dày và La Ngâu… nên cho thu nhập tốt. Anh Vòng A Son - người dân tộc Chăm ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình từng là hộ nghèo được xã lập danh sách hỗ trợ vay vốn mua bò theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển dân sinh kinh tế vùng ĐBDTTS. Ban đầu gia đình anh chỉ có 2 con bò cái nhưng nhờ chăm sóc tốt hàng năm anh đều có bê con. Anh cho biết: 3 năm 2 con bò mẹ sẽ đẻ ra 2 con, 3 năm đầu gia đình mình dù rất khó khăn nhưng không bán bê con mà tiếp tục để gầy giống. Khi đàn bò được 6 con thì mức độ sinh sản được nhiều hơn nên mỗi năm gia đình bán bớt 2 con để trang trải cuộc sống và tích lũy lại một ít. Qua một thời gian giờ đàn bò nhà mình có 15 con. Nhờ đàn bò mà gia đình mình thoát được nghèo, xây được nhà khang trang hơn…
Ở xã La Ngâu, huyện Tánh Linh có anh K’Tim, dân tộc K’ho đã thoát nghèo nhờ trồng bắp lai ven sông La Ngà. Anh tâm sự: Nhà mình ban đầu nghèo lắm, mình và vợ chỉ đi làm thuê kiếm sống. Năm 2015 Ban Dân tộc cùng huyện Tánh Linh cấp đất theo chính sách cho hộ ĐBDTTS cộng với tập huấn trồng bắp lai để người đồng bào có kế sinh nhai lâu dài. Lúc đầu làm rất lo, hầu như ngày nào tôi cũng ra vườn bắp chăm sóc nhưng đêm về cứ trằn trọc lo lắng đến mất ngủ. Rất may là cán bộ làm công tác dân tộc ở xã động viên tinh thần cũng như theo dõi sát sao rẫy bắp của bà con cũng như của gia đình mình nên tận tay chỉ cách bón phân cũng như làm cỏ, vun gốc nên mình yên tâm hơn. Vụ đầu làm 3 sào bắp đạt năng suất và bán được giá cao nên sau khi trừ các khoản đầu tư gia đình còn lãi gần 10 triệu đồng. Đây là số tiền làm nông nghiệp trước giờ gia đình mới cầm được trong tay trọn vẹn nên quý lắm… Thành công bước đầu nên các vụ sau gia đình tôi thuê đất mở rộng đầu tư trồng bắp lai lên 5 sào, rồi 1 ha. Thu nhập từ đây cũng được nâng lên qua hàng năm nên gia đình tôi đã tích lũy mua thêm đất và xây nhà…
Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Không chỉ gia đình anh Vòng A Son hay anh K’Tim mà có hàng ngàn hộ ĐBDTTS trong tỉnh đã thoát nghèo, có hộ vươn lên thành hộ khá, hộ giàu, được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp xã, cấp huyện. Nhiều hộ từ thiếu ăn, đứt bữa nay cuộc sống đã ổn định, nói như anh K’Tim: “Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến ĐBDTTS để không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều người đồng bào dân tộc khác thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng tốt hơn” như hôm nay…
Ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong những năm qua, hệ thống chính sách dân tộc đã được ban hành toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, gắn với tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ĐBDTTS ở 17 xã thuần trong tỉnh là 21,07 triệu đồng/người/năm, bằng 52,41% thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, “đường – trường – trạm” được đầu tư đúng mức và phát huy được hiệu quả…
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho vùng ĐBDTTS, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục nắm bắt tình hình và giải quyết các vấn đề phát sinh tại vùng ĐBDTTS. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù địa phương như chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021 – 2030. Hỗ trợ học sinh, sinh viên theo Nghị quyết 04 và chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng vùng ĐBDTTS theo Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh…