Tình ca trong kháng chiến

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:50, 18/08/2023

Chiến tranh đã lùi xa từ lâu rồi. Hàng năm cứ “đến hẹn lại lên”, những ngày chiến tranh ấy được trịnh trọng nhắc lại để ít ra thế hệ trẻ trưởng thành sau 1975 biết lịch sử đấu tranh của một thời mà ông cha ta đã từng đổ máu. Và công bằng mà nói, âm nhạc đã đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc trường kỳ đấu tranh gian khổ ấy.

Tình ca trong chiến tranh nói chung là có nhiều hơn so với tình ca trong thời kháng chiến chống Pháp, dù có ít, nhưng đó là những bản tình ca đôi lứa đẹp như một bức tranh mà mỗi lần nghe, như thấy lại hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ.

trang.jpg

Có người bảo rằng, từ lúc hòa bình đến nay có rất nhiều bản tình ca, nhưng xét về lượng thì có, nhưng về phẩm thì những bản tình ca này khó đứng được với thời gian và khắc ghi sâu đậm vào lòng người.

Tình ca trong chiến tranh thì nhiều, nhưng ở bài “cảm nhận” ngắn này người viết chỉ “điểm danh” một số bài tình ca trong lứa đôi trong kháng chiến, và chỉ có trong kháng chiến nói riêng và trong chiến tranh nói chung, mới có những bản nhạc tiêu biểu về cả hình thức lẫn nội dung. Những bản tình ca ra đời trong kháng chiến, thời gian mà nền tân nhạc nước nhà mới bước ra khỏi thời kỳ phôi thai (1938), từ những gian khổ và thiếu thốn trăm bề, vậy mà họ đã viết nên những bài tình ca đẹp đến từng nốt nhạc và câu chữ.

Tình ca lứa đôi trong kháng chiến, điển hình có “Trăng mờ bên suối” (Lê Mộng Nguyên) “Bến cũ” (Anh Việt), Anh Việt còn có một tình khúc rất nổi tiếng mà trong chín năm kháng chiến ai cũng thuộc, đó là bài “Chiều trong rừng thẳm”: “… Trong rừng xa vắng âm u nhuộm ánh trăng mờ/ Tiếng gió rít lên ngàn cây xác xơ/ Chuông chùa vang nhắc ngân lên đây những oan hồn/ Rừng còn mang hận mãi trong hoàng hôn/… Bao ngày chinh chiến nơi đây nhuộm máu anh tài/ Dấu vết vẫn ghi nghìn năm chẳng phai…”.

  “Tiếng còi trong sương đêm” (Lê Trực) và “Lời người ra đi” (Trần Hoàn). Sự chia ly nào cũng bi lụy, nhưng ở bốn bản tình ca này sự chia ly giữa hai người là chủ đề chính, chia ly không hẹn ngày trở lại, chia ly để làm sứ mệnh cao cả, có bi nhưng không lụy: “… Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi/ Nghe dặn lòng rằng kháng chiến còn trường kỳ (bis) và còn gian khổ/ Máu còn rơi xương còn rơi/ bao lớp người tiền tuyến tuôn ra, ngăn quân thù dày xéo dân ta…”.

Những nốt nhạc giản dị đến bất ngờ, chuyển tải những ca từ trong Mélodie mà chỉ có những giờ phút chia tay này mới có được. Trong kháng chiến chống Pháp, người ta hát Lời người ra đi như một câu kinh chúc phúc mặc dù phía trước là chiến trường.

Sự chia ly trong chiến tranh bao giờ cũng được báo trước. Chiều và đêm là không gian và thời gian mà bao giờ người nhạc sĩ cũng chọn để có một gam màu thích hợp: “… Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi/ Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời/ Cỏ cây hoa lá/ Thương nhớ mãi người đi...” (Nụ cười sơn cước - Tô Hải).

“… Một đêm trong rừng vắng/ Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh/ Thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh/ Một đêm trong rừng núi/ Có anh lữ khách nhìn trời xa xa/ Ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng/…” (Sơn nữ ca-Trần Hoàn).

“… Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối/ Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu

    Một đêm thiết tha rồi mai xa cách/ Rồi đây hai ngả biết tới phương nào/ Mịt mờ ngàn thâu suối mơ trầm lắng/ Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng/…” (Trăng mờ bên suối-Lê Mộng Nguyên).

Một cuộc chia ly thánh thiện, đẹp và trong veo như một con suối thoát ra từ mạch nước ngầm vô nhiễm.

Tình yêu trong thời kháng chiến sao nó đẹp quá, bối cảnh là một cánh rừng, một con suối, đồi núi, con đê, bờ ao… họ chia tay trong một hoàn cảnh mà không biết được ngày về, vì “Kháng chiến còn trường kỳ” (Lời người ra đi), “Biết đi, sầu em mong” (Bến cũ), “Hiu hắt người đi xa trường xa” (Trăng mờ bên suối)…

Những bài tình ca trong kháng chiến là một nét son trong âm nhạc Việt Nam, mặc dù nền âm nhạc nước nhà lúc ấy đang còn trong thời kỳ phôi thai.

Tình ca trong kháng chiến không nhiều, nhưng đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người nghe, và nó được hát lại để những người cũ “nghe - lại - những - kỷ - niệm” và giới trẻ biết rằng trong kháng chiến nhiều mất mát, chia ly, nghèo đói… vậy mà có những bài tình ca đẹp như một huyền thoại!

TRẦN HỮU NGƯ