Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Phải tập thay đổi thói quen

Đời sống - Ngày đăng : 05:27, 21/08/2023

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật BVMT) đã quy định, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Tại Khoản 3, Điều 77, Luật BVMT nhấn mạnh, cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH, công bố rộng rãi. Đồng thời, cơ sở có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định.

img_6440.jpg
 Phát túi ni lon tự hủy ở Phú Quý để vận động người dân phân lại rác sinh hoạt

Theo quy định tại khoản 7, Điều 79, Luật BVMT, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo khoản 1, Điều 75, Luật BVMT; thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định tại khoản 1, Điều 79, Luật BVMT. Như vậy từ nay đến 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH, làm quen với việc phân loại CTRSH hàng ngày; hiểu và xem việc phân loại CTRSH như thói quen trong đời sống hàng ngày, xem CTRSH như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ, cộng đồng xã hội.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng: “Phân loại CTRSH tại nguồn không khó, vướng mắc lớn nhất là vấn đề nhận thức, tư duy của cộng đồng; chính quyền, đoàn thể cấp xã, thôn, khu phố cần đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền cho đông đảo người dân nâng cao nhận thức phân loại CTRSH để thay đổi hành vi, ý thức phân loại CTRSH. Ý thức của người dân trong việc tuân thủ nghiêm pháp luật phân loại rác tại nguồn ngay từ bây giờ không chỉ giúp họ thay đổi thói quen, đỡ bỡ ngỡ khi quy định thực hiện xử phạt có hiệu lực, mà còn giúp mỗi người thấy rõ lợi ích của việc phân loại CTRSH, thực hiện tốt các quy định pháp luật BVMT nói chung, phân loại CTRSH tại nguồn nói riêng”.

img_6441.jpg
 Phụ nữ xã Tam Thanh đem rác đã phân loại đến Ngày hội tái chế do Hội Liên hiệp phụ nữ Phú Quý tổ chức

Trước đó, Sở TN & MT đã tham mưu UBND tỉnh dự thảo Quyết định số 1166/QĐ-UBND “Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” quy định chi tiết các nội dung liên quan trên, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Hiện chưa có hướng dẫn của Bộ TN & MT phân loại cụ thể CTRSH quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 75 Luật BVMT, nên chưa có cơ sở để quy định phân loại cụ thể CTRSH trên địa bàn tỉnh, tại Điều 5 của dự thảo Quyết định số 1166/QĐ-UBND, do Sở TN & MT tham mưu”. Như vậy, sau khi Bộ TN & MT ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH, Sở TN & MT có cơ sở tham mưu UBND tỉnh quy định phân loại CTRSH tại nguồn. Tất nhiên, vấn đề này bộ chức năng, địa phương phải thực trước thời hạn 31/12/2024 để đồng bộ với quy định Luật BVMT.

“Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, hộ gia đình không thực hiện phân loại CTRSH theo quy định sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Mức xử phạt không phân loại CTRSH như sau: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định”.

Thụy Khanh