Tránh dịch chồng dịch: Chủ động phòng chống Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác
Y tế - Ngày đăng : 05:32, 21/08/2023
Theo thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, biến thể mới EG.5 của vi rút SARS-CoV-2 có tỷ lệ lưu hành trên toàn cầu là 17,4% trong tuần từ 17-23/7/2023, tăng hơn 2 lần so với trong tuần từ 19-25/6/2023. WHO đánh giá biến thể phụ EG.5 của Omicron thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm, hiện đang lây lan ở nhiều quốc gia và có thể tạo ra làn sóng lây nhiễm mới. EG.5 có đặc điểm né tránh miễn dịch nhưng chưa có bằng chứng về việc biến thể gây bệnh nặng hơn, với triệu chứng giống như các biến thể khác gồm sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, sổ mũi.
Ngày 5/5/2023, WHO công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu. Điều này không có nghĩa là dịch Covid-19 chấm dứt bởi số ca mắc, ca tử vong vẫn còn. Tuy nhiên, mức độ bao phủ vắc xin phòng bệnh này trên toàn cầu hiện ở mức độ cao. Vì vậy, WHO đã kêu gọi các nước không lơ là mà hãy cảnh giác với nguy cơ từ dịch Covid-19, tiếp tục triển khai hệ thống giám sát tình hình dịch Covid-19 một cách chặt chẽ hơn.
Trước tình hình dịch bệnh như trên, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành chủ động phòng, chống dịch Covid-19, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.
Bằng cách chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Đồng thời, phối hợp các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và kịp thời báo cáo về Bộ Y tế khi phát hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch. Sự chủ động phòng bệnh từ mỗi người dân là quan trọng nhất.
Để chủ động phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế, các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch theo chức năng nhiệm vụ, đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế.