Sớm xác định rõ ranh giới đất sau vụ bắp, mì bị nhổ bỏ
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:49, 21/08/2023
Những ngày qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Mỹ Thạnh tá hỏa khi nhiều diện tích bắp, mì đang trong thời kỳ phát triển sắp cho thu hoạch của mình bị nhổ bỏ. Không ít người dân khẳng định, nhân viên của Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo, thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét (BQL) đã làm điều này mà không báo trước. Vì phần lớn diện tích mì, bắp bị nhổ nằm trong phần đất bà con lấn đất rừng, chỉ số ít còn lại nằm trong đất của họ.
Ông T.V.K có 8 sào (8.000 m2) đất canh tác mì nhiều năm nay cho biết: Tôi canh tác mì ở đây nhiều năm, có lấn vào đất rừng khoảng nửa sào, vì nghĩ trồng cây ngắn ngày không ảnh hưởng đến cây rừng. Mới đây đi thăm đất thì thấy bị nhổ bỏ, nhìn xót lắm. Tôi có đến BQL trình bày sự việc và yêu cầu họ bấm tọa độ, đo đạc, đánh dấu mốc… để năm sau biết không trồng vào phần đất lấn chiếm ấy.
Vợ chồng bà N.T.M có 1,8 ha bắp hơn 1 tháng tuổi, trong đó có khoảng 1 sào bị nhổ bỏ. Nhiều hộ khác cũng trong tình cảnh tương tự, có hộ còn bị nhổ vào cả phần đất canh tác hợp pháp của họ. Song, cũng có hộ lấn chiếm, nhưng lại không bị nhổ, khiến nỗi bức xúc của người dân càng tăng lên.
Phần lớn hộ dân cho biết mình vi phạm quy định pháp luật, không trách móc trạm bảo vệ rừng việc nhổ trên, chỉ buồn khi trạm đi nhổ thì không báo trước. “Nếu họ thông báo trước thì chúng tôi không buồn, nhưng họ tự đi nhổ... Hơn nữa, nếu thấy chúng tôi đã lỡ trồng rồi thì để cho chúng tôi thu hoạch nốt vụ này, không ảnh hưởng tiền đầu tư phân, giống. Mùa vụ sau sẽ không canh tác khi nhận được thông báo, nếu hộ nào cố tình thì trạm xử lý theo quy định…”, ông K cũng như nhiều hộ dân khác ý kiến. Họ cũng mong, nếu trạm đi nhổ thì phải nhổ đồng loạt chứ không thể chỉ nhổ của hộ này còn hộ khác thì không.
Những trăn trở và bức xúc ấy đã được gửi đến UBND xã Mỹ Thạnh. Bà Hoàng Thị Kha – Chủ tịch UBND xã cho biết, chúng tôi đã nhận thông tin này từ người dân phản ánh và đang chỉ đạo cho Phó Chủ tịch xã phối hợp với địa chính kiểm tra. Nếu Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo làm như vậy, chúng tôi có phần bức xúc, vì tự ý làm mà không phối hợp. Trước đây, trạm phát hiện đất rừng bị lấn chiếm, có phối hợp với địa phương đi xử lý bằng cách thành lập một tổ gồm người của trạm, công an, cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm địa bàn, có cả người dân vi phạm. Làm như vậy vừa công khai minh bạch vừa tuyên truyền răn đe người dân, nhưng năm nay lại không thấy. Chúng tôi sẽ làm rõ trước những bức xúc mà người dân phản ánh. Số hộ dân bị nhổ bỏ bắp, mì, theo UBND xã Mỹ Thạnh là gần 10 hộ, chứ không phải 1 – 2 hộ.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về vụ việc, Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét cho rằng có thể do mâu thuẫn giữa người dân nên trả thù nhau. Ông Phạm Văn Chiến - Trưởng BQL rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét khẳng định không có chuyện người của Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo đi nhổ... và chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm rõ. Đất của bà con đồng bào có từ trước khi BQL thành lập vào năm 2004, chúng tôi vẫn để bà con canh tác, hàng năm đều có đánh dấu cột mốc, cho bà con cam kết không lấn chiếm đất rừng.
Phía BQL khẳng định vậy, nhưng trong thực tế còn nhiều vấn đề bất cập cần làm rõ để tránh xung đột giữa các bên. Người dân Mỹ Thạnh đang cần những giải đáp rõ ràng bằng cách xác định lại ranh giới đất rừng và đất canh tác của tất cả các hộ dân hoặc người có đất canh tác ở đây. Có như vậy mới minh bạch, công bằng để năm tới không còn xảy ra tình trạng trên, giúp người dân yên tâm sản xuất.