Vùng cao Mỹ Thạnh và khát vọng vươn lên
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 06:24, 24/08/2023
Vùng đất khó
Mỹ Thạnh có 283 hộ/971 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Rai, nằm sâu trong rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét, như cách biệt với thế giới bên ngoài. Để đến được nơi này, chúng tôi phải trải qua đoạn đường rừng dài vắng vẻ gần 10 km, không có sóng điện thoại, qua nhiều cầu, cống bắc qua suối. Trong đó có cống Bom Bi ở đầu xã bị ngập nước mỗi khi mưa lớn, khiến người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở đây có đi đâu thì cũng phải lo về nhà sớm, nhất là vào ban đêm. “Điều kiện sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, không chỉ về vật chất mà còn đường sá đi lại”, Đại úy Mang Xuân Đảm - Trưởng Công an xã Mỹ Thạnh nói khi tôi vừa đến UBND xã.
Hơn 10 năm về trước, khi lần đầu tôi đến Mỹ Thạnh, ấn tượng đầu tiên đập vào là không khí mát lạnh khó quên của cảnh rừng cách đây. Hôm nay cái mát lạnh ấy dường như đã mất đi, có thể do hậu quả của biến đổi khí hậu hoặc diện tích rừng bị thu hẹp. Nhưng chuyện đó của thập kỷ trước, những gì trước mắt tôi là toàn xã đã có nhiều nhà xây kiên cố, với gia chủ vẫn mặc định đời mình bám rừng, giữ đất trỉa bắp, trồng khoai. Có hộ đã thay đổi nếp nghĩ, chuyển đổi cây trồng tăng năng suất cho thu nhập cao. “Nhà mình canh tác hơn 1 ha đất, trước đây trồng mì, bắp, rồi chuyển đổi một phần sang trồng thanh long tăng thu nhập”, ông Trần Văn Khổ ở thôn 1, từng là hộ nghèo nay đã thoát nghèo chia sẻ. Với hộ Nguyễn Thị Mẫu, có 1,8 ha bắp, mỗi vụ cho thu nhập gần chục triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư phân, giống. Hiện bắp đang thời kỳ phát triển cần bón phân, xịt thuốc phòng ngừa sâu bệnh. Những lúc rảnh rỗi, Mẫu cũng như anh, chị em khác trong xã lại lên rừng hái nấm, lá bép, lấy măng, mật ong rừng… chăn dắt bò, bảo vệ diện tích rừng mình nhận giao khoán để cải thiện kinh tế gia đình.
Song, cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn, khi những năm gần đây thời tiết thất thường ảnh hưởng năng suất cây trồng. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa hoặc mất mùa mất giá thường xuyên, khiến thu nhập không ổn định... Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, với hơn 170 hộ. Dù vậy an ninh trật tự địa bàn xã rất tốt, 6 tháng đầu năm chỉ xảy ra 1 vụ va chạm giao thông, đặc biệt không có tệ nạn ma túy. “An ninh trật tự trên địa bàn xã luôn ổn định không xảy ra tệ nạn xã hội. Đặc biệt tệ nạn ma túy cho đến nay chưa phát hiện trường hợp buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy nào. Mỹ Thạnh - một trong những xã sạch ma túy của huyện”, Đại úy Mang Xuân Đảm vui mừng nói.
Nhiều quan tâm
Những gì nêu trên là thực tế khi chúng tôi rong ruổi khắp xã ngắm vẻ đẹp của núi rừng vùng cao. Chúng tôi thích nhất sự chân tình, chất phác, cần mẫn, chấp hành quy định pháp luật của người đồng bào DTTS nơi đây. Tiếp xúc với họ, chúng tôi nhìn thấy những ước vọng đổi đời của họ giữa mối quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành trong việc đẩy mạnh các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, mà trọng tâm là các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Họ cũng có những ước mong về công bằng xã hội khi bất bình về việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng. “Nghĩ lại thấy mình cũng sai vì lấn chiếm đất rừng… Nhưng mong ngành chức năng xử lý người lấn chiếm rõ ràng, công bằng, không loại trừ một ai”, ông Khổ, ông Phương ở thôn 1, xã Mỹ Thạnh bày tỏ chân tình về vấn đề lấn chiếm đất rừng hiện nay.
Những mong muốn của ông Khổ, ông Phương cũng là ý nguyện của đại đa số người dân nơi đây. Chứng tỏ nhận thức của họ về các vấn đề trong xã hội đã nâng lên. Họ luôn biết ơn Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo cho người vùng cao khó khăn, bằng các chế độ, chính sách, chương trình, dự án, vốn vay ưu đãi, cùng những phần quà ý nghĩa. Chủ tịch UBND xã Hoàng Thị Kha thông tin: “Mỹ Thạnh là xã miền núi, những năm qua, các cấp, ngành đã quan tâm huy động nhiều nguồn lực và đẩy mạnh các chương trình, dự án, chính sách dân tộc giúp đỡ, hỗ trợ các hộ gia đình có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. "Hiện xã đang triển khai giai đoạn 1 (2021 – 2025) của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cho đến nay, xã đã kiên cố hóa tuyến đường vào khu sản xuất 41 ha, xây dựng nhiều hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh; hỗ trợ cho các hộ nghèo bò sinh sản…", bà Kha nói thêm.
Khát vọng vươn lên
Rời Mỹ Thạnh đi trên con đường cũ, với cánh đồng bắp xanh ngắt đập vào mắt và bầy bò mập mạp của hộ nghèo Quốc Kha ở thôn 1 đang được chăn thả ở bên đường. Báo cáo thống kê của xã cho thấy, diện tích đất nông nghiệp toàn xã 19.599 ha, với hơn 1.300 gia súc gồm trâu, bò, heo, dê. Trong đó, có hơn 60 con bò cái sinh sản của các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho các gia đình khó khăn. Chúng đang được các gia đình chăm sóc kỹ lưỡng, với hy vọng sớm thoát nghèo. “Ở vùng núi khó khăn, nhận được bò, chúng tôi mừng lắm”, vợ của Quốc Kha vui mừng nói khi tôi dừng xe đến gần.
Quốc Kha cũng như các hộ khác đang hoạch định tương lai thoát nghèo, nếu bò sinh ra bê cái thì giữ lại nuôi để nó sinh sản nhân rộng thành đàn. Còn nếu sinh ra bê đực thì nuôi lớn rồi bán đầu tư mua thêm con bò cái. Chăn nuôi cùng với canh tác hoa màu, góp phần cải thiện cuộc sống để rời xa đói nghèo.
Với tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, cùng với hệ thống hồ, đập, giao thông kết nối liên vùng khai mở; các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ tạo nên một bức tranh Mỹ Thạnh hoàn toàn mới trong tương lai, trong đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS nơi đây sẽ được nâng lên hơn so với hiện nay.