Các trường học vùng sâu, vùng xa chuẩn bị năm học mới
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:51, 25/08/2023
Cơ sở vật chất còn khó khăn
Đến thăm Trường THCS Hàm Cần, một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Hàm Thuận Nam. Hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới được nhà trường thực hiện chu đáo từ khâu dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khuôn viên trường học sạch sẽ, kê lại bàn ghế ngay ngắn. Nhà trường cũng đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên và phân công nhiệm vụ năm học mới cho từng giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cũng đã thông báo đến từng em học sinh và gia đình về kế hoạch học tập, khai giảng, sẵn sàng cho ngày tựu trường 29/8 tới.
Điều đáng mừng, khu hiệu bộ của trường được đầu tư xây mới khang trang và đưa vào sử dụng trong năm học 2021-2022 đáp ứng được nơi làm việc của cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn dãy phòng học 2 tầng xây dựng đã lâu nay xuống cấp. Bên ngoài hành lang, gạch men lát nền bong tróc, bên trong lớp học màu sơn đã cũ kỹ, nhiều bàn ghế đã hư hỏng nặng. Còn nhà vệ sinh dành cho học sinh đã xuống cấp trầm trọng, 1 bên không thể sử dụng nên cả học sinh nam nữ đều phải dùng chung nhưng không đảm bảo. Khó khăn là vậy, nhưng nhà trường vẫn nỗ lực trong khả năng để chuẩn bị chu toàn cho năm học mới.
Thầy Lương Văn Lâm – Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Cần cho biết: “Năm học mới 2023 -2024, trường có 4 lớp (mỗi khối 1 lớp 6,7,8,9) với 119 học sinh (lớp 6 có 44 em). Điều kiện ở đây còn nhiều khó khăn, học sinh chủ yếu con em người đồng bào dân tộc Rai. Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học tập, nhà trường đã tập trung vệ sinh trường lớp, khuôn viên trường học, chuẩn bị tươm tất hết sức có thể và động viên học sinh, giáo viên, phụ huynh cùng cố gắng dạy và học. Công tác rà soát học sinh các khối cũng được chú trọng triển khai, sau khi tựu trường giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm danh sách, kịp thời vận động những học sinh chưa ra lớp. Về cơ sở vật chất xuống cấp, nhà trường đã đề xuất cấp trên, riêng nhà vệ sinh đã có đơn vị xuống tiến hành khảo sát nhưng chưa biết khi nào được hỗ trợ xây sửa.
Sẵn sàng chào đón học sinh
Còn tại Trường tiểu học Mỹ Thạnh, công tác chuẩn bị cho năm học mới được nhà trường chuẩn bị sẵn sàng. Theo đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cùng với sự giúp sức của Đội cảnh sát cơ động số 4 Hàm Mỹ đã chung tay dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường, lớp sạch sẽ, sửa chữa lại bàn ghế hư hỏng… để sẵn sàng chào đón học sinh thân yêu quay trở lại với trường, lớp. Năm học mới 2023-2024, toàn trường có 108 học sinh/6 lớp. Hiện trường có 6 phòng học kiên cố, phòng tin học được trang bị 20 máy tính, phòng thư viện, bàn ghế đảm bảo. Đặc biệt, từ nguồn xã hội hóa, nhà trường đã trang bị được 6 chiếc ti vi, hệ thống Internet đảm bảo. Khó khăn hiện nay là trường chưa có các phòng hành chính quản trị, phòng chức năng, phòng bộ môn… để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô Huỳnh Thị Vi Vân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học sinh của trường đa phần là con em dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại khó khăn, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn. Vì thế, nhà trường đã vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quần áo đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, cặp, ba lô, gạo, xe đạp… nhằm tạo động lực, khuyến khích các em chăm đến trường, tránh nguy cơ bỏ học giữa chừng”. Hiện nhà trường duy trì học 2 buổi/ngày, đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Nam, năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 49 trường, trong đó mầm non công lập 13 trường, tiểu học 23 trường, TH&THCS 5 trường, THCS 7 trường, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS 1 trường. Toàn huyện có 24/49 trường đạt chuẩn quốc gia tỷ lệ 48,9%; số học sinh, trẻ mầm non dự kiến năm học mới 25.863 em, tăng 1.016 em so năm học 2022-2023. Thời gian qua, UBND huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, cấp kinh phí mua sắm thiết bị dạy học, bổ sung bộ bàn ghế học sinh, máy vi tính… cho nhiều trường học trên địa bàn huyện, trong đó có nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa cơ bản đảm bảo công tác dạy và học. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường còn thiếu, đặc biệt là thiếu phòng học, phòng máy tính, máy tính, bàn ghế học sinh, bàn ghế phòng máy tính…Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề nghị Phòng Tài chính-Kế hoạch tham mưu UBND huyện bổ sung kinh phí mua sắm bàn ghế, máy vi tính, xây dựng phòng học theo lộ trình, trước mắt ưu tiên những trường thật sự khó khăn về phòng học, bàn ghế, máy tính.